Không có sự phân biệt về thuốc khi đi khám chữa bệnh bằng Thẻ Bảo hiểm y tế hay khám thông thường.

25/12/2018 05:00 PM


 

Lâu nay, nhiều người dân vẫn cho rằng thuốc khám theo thẻ BHYT khác với thuốc khi đi khám thông thường. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn không có cơ sở.

Bởi vì, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 trong đó đã ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT gồm 845 hoạt chất, 1.064 thuốc tân dược, 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu. Đối với thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 05/2015/TT-BYT ban hành danh mục thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Tất cả các mặt hàng thuốc thuộc 2 Thông tư của Bộ Y tế nêu trên đều được lưu hành trên thị trường và đáp ứng đầy đủ nhu cầu điều trị của người tham gia BHYT, điều này chứng tỏ rằng quan niệm thuốc khi đi khám chữa bệnh BHYT không tốt bằng thuốc khi khám không có thẻ BHYT là hoàn toàn sai lầm.

Hơn nữa tại Lâm Đồng, hàng năm, công tác đấu thầu cung ứng thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và người bệnh có thẻ BHYT nói riêng“không có sự phân biệt” vì đã được UBND tỉnh giao cho 3 chủ đầu tư đấu thầu là Sở Y tế Lâm Đồng đấu thầu tập trung 109 mặt hàng cho tất cả các cơ sở KCB trong toàn tỉnh, 884 mặt hàng cho các cơ sở KCB tuyến huyện và một số cơ sở tuyến tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1342/QD-UBND ngày 3/7/2018 về “Phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc tập trung cấp địa phương; cung ứng thuốc và tân dược, thuốc dược liệu cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2018-2019” với 993 mặt hàng thuốc và dược liệu và Quyết định số 1569/QĐ-UBND ngày 10/8/2018 về “Phê duyệt dự toán mua sắm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng tân dược cho Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng  năm 2018-2019” với 591 mặt hàng tân dược. Các mặt hàng thuốc này đều đáp ứng cho nhu cầu sử dụng điều trị cho tất cả người bệnh khi đến KCB tại các cơ sở KCB bao gồm người bệnh chưa có thẻ BHYT và người bệnh có thẻ BHYT. Vì vậy một lần nữa chứng tỏ không có sự khác biệt về chất lượng thuốc sử dụng cho người bệnh khi đi khám BHYT và người bệnh khám thông thường tại tỉnh Lâm Đồng.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá là một trong số ít các nước có danh mục thuốc BHYT rộng rãi, đáp ứng nhu cầu điều trị so với mức đóng BHYT. Danh mục này rộng hơn khá nhiều so với danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới (khoảng 400 thuốc) và danh mục thuốc BHYT của một số nước trong khu vực, có điều kiện kinh tế phát triển hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Thực tế cũng cho thấy thuốc lưu hành trên thị trường rất phong phú với nhiều chủng loại và hiệu quả khác nhau, nhiều loại thuốc chỉ mang tính chất hỗ trợ hiệu quả điều trị không rõ ràng, một số thuốc hiệu quả thấp hơn với nhiều tác dụng phụ nhưng chi phí điều trị cao hơn, một số thuốc điều trị lại có chi phí cho một bệnh nhân lên tới vài tỷ đồng một năm... vì vậy giữa thị trường thuốc đa dạng và phong phú thì những danh mục thuốc được thanh toán khi đi khám chữa bệnh BHYT là những danh mục thuốc đáp ứng đầy đủ nhu cầu điều trị của người bệnh và đã được Bộ Y tế thông qua.

Tại tỉnh Lâm Đồng trong năm 2018 tổng lượt người khám chữa bệnh BHYT là 2.306.453 lượt người với số tiền là 972.871 triệu đồng, so với năm 2017 số tiền chi khám chữa bệnh BHYT tăng 14,82% với 125.569 triệu đồng, trong đó tại tỉnh tổng số lượt người khám chữa bệnh BHYT là 2.205.950 lượt người với số tiền chi phí là 678.439 triệu đồng và tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT đa tuyến đi ngoài tỉnh là 294.432 triệu đồng cho 100.503 lượt người. Qua những con số trên đã cho thấy thẻ BHYT là chiếc phao cứu sinh cho hàng triệu bệnh nhân trong tỉnh và chi phí mà người dân được quỹ BHYT thanh toán đã giúp cho người dân vượt qua hoàn cảnh khó khăn khi chẳng may bị ốm đau, tai nạn trong cuộc sống.

Đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định việc khám chữa bệnh với chiếc thẻ BHYT tại tỉnh Lâm Đồng nói riêng và tại nước ta nói chung là một chính sách xã hội mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc và quyền lợi của người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT luôn được Nhà nước đảm bảo cao nhất.

PT

 

  • TIN BÀI LIÊN QUAN