Kiến nghị không cho doanh nghiệp nợ bảo hiểm đấu thầu công

13/09/2023 09:52 AM


Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị địa phương không xét hồ sơ đấu thầu dự án công, không khen thưởng hay vinh danh doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Trong văn bản vừa gửi thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các địa phương về thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị các địa phương công khai rộng rãi doanh nghiệp trốn đóng, đồng thời đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH vào nghị quyết các cấp ủy, kế hoạch phát triển từng năm.

Thống kê giai đoạn 2016-2021, cả nước có 538 doanh nghiệp trốn đóng BHXH trên 10 năm; hơn 4.200 doanh nghiệp trốn đóng trên 5 năm. Tiền chậm đóng BHXH tăng dần, bình quân 10.000 tỷ đồng mỗi năm.

Riêng khoản chậm đóng từ 3 năm trở lên chiếm 34% tổng số chậm, trốn đóng của các doanh nghiệp. Nợ xấu khó thu hồi ngày càng nhiều, năm 2020 gần 2.600 tỷ đồng (22%), gấp 1,6 lần so với năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp thuộc diện đóng BHXH bắt buộc chưa được quản lý chặt. Biện pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Để chốt được sổ, các công nhân Haprosimex đã mất gần 2.000 ngày đi đòi nợ quyền lợi BHXH. Ảnh: Hà Anh

Để chốt được sổ, các công nhân Haprosimex đã mất gần 2.000 ngày đi "đòi nợ" quyền lợi BHXH. Ảnh: Hà Anh

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất cơ quan có thẩm quyền ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng theo Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH sẽ kiến nghị khởi tố. Chủ tịch cấp tỉnh có thể áp dụng chế tài khác với hành vi trốn đóng BHXH tại địa phương.

Ba hành vi được xem là trốn đóng BHXH nêu trong dự thảo, gồm: Doanh nghiệp không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc, đăng ký không đủ số người thuộc diện tham gia hoặc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian quy định; doanh nghiệp đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho lao động nhưng đến thời hạn quy định mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ; doanh nghiệp đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng theo quy định.

Xử lý tội trốn đóng BHXH được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng đến nay chưa vụ nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan Bảo hiểm xã hội củng cố hồ sơ gần 400 vụ trốn đóng BHXH chuyển công an, song gần một nửa số vụ cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, khó làm rõ tội trốn đóng. Có doanh nghiệp mang tiền nợ đến đóng ngay khi công an vào cuộc.

Pháp luật đã trao quyền cho công đoàn khởi kiện song thực tế vướng mắc vì quy định tại các luật Tố tụng dân sự, Công đoàn, Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động chưa thống nhất. Có luật cho phép công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, có luật quy định rõ là công đoàn cơ sở, có luật lại yêu cầu công đoàn phải được lao động ủy quyền.

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam kiến nghị bỏ quy định công đoàn muốn khởi kiện phải có toàn bộ chữ ký ủy quyền vì không thực tế với những doanh nghiệp hàng nghìn công nhân và mất thêm thời gian, thủ tục.

vnexpress.net