Trẻ học mầm non được Nhà nước hỗ trợ như nhau, không phân biệt công lập hay dân lập

12/11/2015 04:07 AM


Sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo đã mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi, cụ thể “trẻ em là người dưới 18 tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi.

Vì người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý, chưa đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ của công dân, cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, Nhà nước và xã hội, cần được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển đầy đủ, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại cho trẻ em. Việc nâng độ tuổi của trẻ em sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quyền trẻ em, bảo đảm tốt hơn cho nhóm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, việc tăng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi không có nghĩa là tất cả trẻ em phải được đối xử như nhau, pháp luật có thể quy định những độ tuổi khác nhau mà ở độ tuổi đó trẻ em được coi là có khả năng đưa ra quyết định hoặc tham gia vào các hoạt động nào đó. Quy định tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi nhưng về quyền, trẻ em có thể có giấy phép lái xe máy khi 16 tuổi, tham gia lao động từ 15 tuổi, chịu trách nhiệm hình sự ở tuổi 14...

Nếu tăng tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi, dân số trẻ em hiện nay sẽ là 30.384.585, chiếm 34% dân số. Tuy nhiên, điều này cũng không làm ảnh hưởng lớn đến hệ thống chính sách và nguồn ngân sách cho y tế,  giáo dục, văn hóa, trợ giúp xã hội hiện nay vì hầu hết các chính sách cho người chưa thành niên đều đã được tiếp cận và hoạch định theo độ tuổi và bậc học. Ví dụ, về chính sách với trẻ em là học sinh mầm non, qua giám sát, Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nhận thấy hiện nay việc đầu tư phát triển hệ thống giáo dục mầm non chưa thực sự bảo đảm công bằng trong cơ hội phát triển đối với mọi trẻ em, đặc biệt là trong thụ hưởng hỗ trợ từ Nhà nước giữa trẻ em ở các cơ sở giáo dục công lập với trẻ em ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Do đó, đa số ý kiến ĐB nhất trí với quy định tại Khoản 4, Điều 44 của Dự thảo Luật về bảo đảm công bằng trong việc hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho bậc học mầm non, không phân biệt cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập: “Bảo đảm công bằng về cơ hội thụ hưởng hỗ trợ từ nhà nước cho mọi trẻ em ở bậc học mầm non; từng bước miễn học phí cho cấp học phổ cập không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập”.

Đáng quan tâm, pháp luật Việt Nam chưa có quy định riêng về hệ thống tư pháp đối với trẻ em, trong đó có việc bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính. Do đó, Dự thảo Luật này bổ sung qui định từ Điều 67 đến Điều 71, liên quan đến trẻ em vi phạm pháp luật hình sự, hành chính, trẻ em là nạn nhân, nhân chứng trong các vụ án hình sự, trẻ em có liên quan đến quá trình tố tụng dân sự vì lý do chăm sóc, cấp dưỡng trong các vụ ly hôn. Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tán thành với quan điểm của Dự thảo Luật về việc quy định nội dung bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng vì đây là vấn đề vừa mang tính pháp lý vừa mang tính nhân văn. Tuy nhiên, Dự thảo Luật có nhiều nội dung quy định trùng lắp với các quy định trong pháp luật về tố tụng hiện hành như quy định trẻ em có quyền được luật sư bào chữa, được trợ giúp pháp lý, trẻ em được xét xử kín... cần được nghiên cứu, rà soát kỹ và chỉ nên quy định trong Luật này những vấn đề mang tính nguyên tắc nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Theo PL&XH