Cung- cầu lao động bất hợp lý: Đáng báo động

10/11/2015 08:43 AM


Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong tổng số lao động mà DN cần tuyển dụng thì chỉ yêu cầu 23% có trình độ ĐH trở lên. Trong khi đó, có 30% trong số người tìm việc đáp ứng yêu cầu này...

Những con số “biết nói”

Việc cung đào tạo ĐH đang vượt quá nhu cầu như vậy đang rất báo động ở nước ta.  Bà Nguyễn Thị Lan Hương- Viện trưởng Viện Khoa học Lao động- Xã hội (Bộ TB-LĐ&XH) dẫn chứng: Ở nước ta, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chiếm khoảng 21%, trong đó ĐH, trên ĐH là 8%. Song, về cơ cấu đào tạo, lại có tới 45% lao động từ trình độ ĐH trở lên, CĐ 15%, Trung cấp 27% và Sơ cấp là 17%. Đây là mô hình của nền kinh tế trí thức, phân khúc lao động đào tạo bậc cao chiếm gần một nửa.

Cung- cầu lao động vẫn đang chênh lệch

Dù nước ta đang và sẽ còn nhu cầu về lao động có trình độ tay nghề cao, nhưng lại có nghịch lý là lượng cung hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu đó. Nhiều DN phản ánh về thực trạng không tuyển dụng được nhân lực đúng yêu cầu trong khi tỉ lệ thất nghiệp trong SV mới tốt nghiệp hiện nay là tương đối cao.

Theo bà Hương, tỉ lệ lao động có trình độ từ ĐH trở lên thất nghiệp có xu hướng tăng. Song, thực chất đây là tỉ lệ thất nghiệp của những người có bằng ĐH, chứ không phải trình độ ĐH. Vì, một nền giáo dục mà phân luồng ¾ số HS vào các trường ĐH, chỉ lấy từ 12 điểm trở lên thì những người vào được ĐH như vậy cũng chưa chắc đã đạt trình độ ĐH.

Theo dự báo của Tổ chức ILO, với việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, Việt Nam sẽ được hơn 6 triệu việc làm trong tổng số 60 triệu việc làm tăng thêm. Song, 2/3 số việc làm này sẽ ở phân khúc thấp, tức là việc làm có thu nhập thấp. Nguyên nhân vì nguồn nhân lực của Việt Nam chất lượng thấp.

“Chúng tôi thực sự lo lắng khi nhìn vào sự bất cập giữa cung và cầu lao động, mà sâu xa hơn chính là kết quả phân luồng HS vào học ĐH và phân luồng các em khi ra trường”, bà Hương chia sẻ.

Đẩy mạnh phân luồng, hướng nghiệp

Rất nhiều nghề được đào tạo song NLĐ không tìm được việc làm phù hợp với nghề đã đào tạo. Ths.Phan Thị Minh Hiền- Trung tâm Thông tin và Dự báo KTXH quốc gia cho rằng: Vấn đề việc làm của thanh niên có mối quan hệ chặt chẽ với định hướng nghề nghiệp của chính họ. Nước ta đang có sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo sau phổ thông bởi áp lực “vào ĐH” luôn là tâm lý đè nặng trong xã hội.

Ngoài ra, với cách làm như hiện nay, hệ thống dạy nghề nước ta đang đứng trước  tình trạng không có HS. Nếu có thì cũng chỉ là “vét” những HS không trúng tuyển các trường ĐH và CĐ. Thậm chí, không ít em chỉ học nghề năm đầu, sau đó lại chuyển sang học ĐH. Bởi vậy, chất lượng của hệ thống dạy nghề không được đảm bảo từ nhiều năm nay.

Theo Viện trưởng Viện Khoa học Lao động- Xã hội, công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục vô cùng quan trọng. “Với mô hình lao động như hiện nay chúng ta chỉ nên để 30%- 40% HS sau phổ thông đi thi vào các trường ĐH. Nếu được như vậy, theo tính toán sơ bộ, phải 17 điểm trở lên mới đỗ ĐH, thay vì chỉ 12 điểm như thời gian qua”.

Nhưng hướng nghiệp bằng cách nào? PGS.Đặng Quang Bảo- nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho biết: Công tác hướng nghiệp nói chung chịu sự chi phối của 3 yếu tố: Năng lực bản thân HS, hoàn cảnh gia đình HS và môi trường xã hội. Công tác này có thể bắt đầu ngay từ lớp một. Ở tiểu học, đơn giản chỉ là cô giáo lập hồ sơ theo dõi diễn biến từng HS theo 3 yếu tố chi phối trên. Từ đó, tư vấn và hướng các em phát triển theo thế mạnh mà các em có.

Hiện nay, định hướng nghề nghiệp tại các trường phổ thông còn mang tính hình thức. “Không phải cứ chạy đua vào những ngành “hot” là tốt, mà lúc này phải căn cứ ít nhất 2 thông số quan trọng, đó là: năng lực HS và thị trường lao động. Ngoài ra, nhà trường cũng phải thường xuyên tạo ra những kỳ thi để tư vấn cho HS, HS đang kém môn này, nổi trội môn kia để kịp thời cho các em lời khuyên hướng nghiệp”- GS. Bảo chia sẻ.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn