Nhân sự cao cấp Việt Nam: Bài toán khó cho các nhà tuyển dụng
10/11/2015 03:09 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đến cuối tháng 12/2015, Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á (AEC) được thành lập sẽ cho phép sự tự do luân chuyển lao động ở 10 nước Asean. Đây sẽ là thời điểm hết sức khó khăn đối với đội ngũ quản lý người Việt khi phải cạnh tranh với đội ngũ nhân sự đến từ các nước láng giềng.
Theo báo cáo “Những thách thức trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt tại các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam”, hiện Việt Nam đang phải đối diện với thách thức thiếu nhân sự cấp cao. Kết quả khảo sát cho thấy, có 41% người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết, trong vòng 12 tháng qua, họ không tìm được đủ nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt cho doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, 56% ý kiến tham gia khảo sát tại Việt Nam cho rằng, họ đang gặp phải thách thức lớn nhất đến từ sự cạnh tranh gay gắt về mức lương, thưởng tốt hơn từ các công ty cùng ngành.
Lý giải nguyên nhân này, theo một số chuyên gia, là do trình độ ngoại ngữ của nhân lực Việt nam còn yếu. Việc các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đưa tiếng Anh vào trong các tiêu chí quan trọng nhất trong việc quyết định tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao khiến đội ngũ nhân sự cao cấp tại Việt Nam chưa thể đáp ứng được yêu cầu này. Ngoài ra, tại các công ty nước ngoài, kỹ năng tiếng Anh ở đội ngũ này vẫn đang là một trở ngại trong việc hòa nhập với môi trường làm việc đa quốc gia. Đến cuối tháng 12, Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á (AEC) được thành lập sẽ cho phép sự tự do luân chuyển lao động ở 10 nước Asean, sẽ đặt đội ngũ quản lý người Việt trước một thách thức không nhỏ khi phải cạnh tranh với đội ngũ nhân sự tương tự đến từ các nước láng giềng, vốn có thế mạnh về tiếng Anh như Singapore, Philipines, Thái Lan…
Để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao cấp tại Việt Nam, thời gian tới, theo các chuyên gia, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo nhân sự. Theo một số đánh giá về năng lực cho thấy, lao động trung và cao cấp của Việt Nam có chuyên môn tốt, học hỏi nhanh, nhưng yếu về tính hệ thống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, giải quyết vấn đề. Ở những vị trí cấp cao trong doanh nghiệp, nhân sự người Việt còn thiếu những người có khả năng truyền cảm hứng cho nhân viên làm việc. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, đến từ Mỹ hay các nước châu Âu, còn chú trọng tính chủ động, sự sáng tạo của cá nhân, nhưng không có nhiều người Việt đáp ứng tốt những đòi hỏi này. Vì vậy hiện nay đã có nhiều doanh nhiệp sau khi tuyển dụng đã phải đưa người ra nước ngoài để học thêm kinh nghiệm hoặc phải đưa người từ nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp có tính cá biệt ở một số doanh nghiệp có tiềm lực. Còn xét tổng thể, Việt Nam vẫn cần đầu tư vào chất lượng nhân lực trung và cao cấp ở quy mô quốc gia. Có thể nói, việc thiếu nhân sự cấp trung và cấp cao của các công ty nước ngoài tại Việt Nam từ lâu đã trở thành một bài toán chưa có lời giải. Không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà là vấn đề mang tính khu vực.
Vì vậy, thời gian tới các doanh nghiệp cần tiếp tục xây dựng các chương trình liên quan đến đào tạo con người, vốn là nguồn lực quý giá nhất trong việc xây dựng một doanh nghiệp thành công và phát triển lâu dài trong nền kinh tế có sự thách thức lớn về nguồn lực như hiện nay.
Theo LĐTĐ
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT