Năm 2030, hơn 100 triệu người có thể sẽ rơi vào cảnh nghèo đói

10/11/2015 07:00 AM


Theo báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 100 triệu người sẽ có thể rơi vào cảnh nghèo đói vào năm 2030 nếu không tiến hành các biện pháp hướng tới phát triển nhanh và bền vững, toàn diện mà không gây hại đến môi trường, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời bảo vệ những người dân yếu thế.

Báo cáo của WB cho thấy, người dân nghèo đã bị đe dọa bởi những cú sốc liên quan tới khí hậu như mùa màng thất thu do lượng mưa giảm, giá lương thực tăng do các hiện tượng thời tiết bất thường, bệnh dịch bùng phát dưới tác động của các làn sóng nhiệt và lũ lụt… Những cú sốc này có nguy cơ phủ nhận nhiều tiến bộ vốn rất khó khăn mới đạt được do gây ra những tổn thất, thiệt hại không thể đảo ngược hay đẩy những người dân vốn nghèo đói lại tiếp tục rơi vào cảnh đói nghèo, đặc biệt tại châu Phi và Nam Á.

Sẽ không thể chấm dứt đói nghèo nếu chúng ta không có biện pháp mạnh để giảm thiểu mối đe dọa mà biến đổi khí hậu gây ra đối với người nghèo và nếu chúng ta không giảm thiểu đáng kể lượng khí thải độc hại" – Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim nêu rõ - "Chính những người nghèo phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Thách thức hiện nay chúng ta phải đối mặt là ngăn chặn hiện tượng rối loạn khí hậu không đẩy hàng chục triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực".

Những người nghèo nhất dễ bị tác động hơn những người bình thường trước các cú sốc về khí hậu như lũ lụt, hạn hán và sóng nhiệt. Hơn nữa, họ còn mất đi một phần tài sản lớn hơn rất nhiều khi chúng bị tác động bởi những tai họa này. Trong số 52 quốc gia có số liệu nghiên cứu, 85% dân số sống ở các nước, nơi người nghèo dễ bị tác động bởi hạn hán hơn người dân bình thường. Những người nghèo nhất cũng bị đe dọa nhiều nhất bởi hiện tượng nhiệt độ tăng cao và sống ở những khu vực, nơi sản lượng thực phẩm gieo trồng dự báo ​​sẽ giảm do biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cuộc chiến chống đói nghèo và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có hiệu quả hơn khi được cùng thực hiện đồng thời.

Khả năng gia tăng nghèo đói sẽ ảnh hưởng trước tiên tới các yếu tố nông nghiệp. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy sự thay đổi khí hậu có thể làm giảm năng suất cây trồng xuống tới 5% vào năm 2030 và 30% trong năm 2080 ở quy mô toàn cầu. Sau các vấn đề nông nghiệp, các yếu tố quan trọng nhất là những ảnh hưởng của hiện tượng nhiệt độ tăng đến sức khỏe của con người (tăng tỷ lệ mắc bệnh sốt rét, tiêu chảy, hạn chế tăng trưởng) và năng suất của lực lượng lao động. Tại châu Phi, biến đổi khí hậu có thể khiến giá lương thực tăng cao lên đến 12% vào năm 2030 và 70% trong năm 2080. Đây có thể xem là một tác động nặng nề đối với các nước có mức tiêu thụ thực phẩm của hộ gia đình nghèo nhất chiếm hơn 60% tổng chi tiêu.

Trong bối cảnh đó, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới kêu gọi ủng hộ các hành động như tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe phổ quát… nhằm tăng cường khả năng phục hồi của người nghèo; đồng thời thực hiện các biện pháp cụ thể tập trung vào khí hậu, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu như: tăng cường biện pháp bảo vệ chống lại lũ lụt, hệ thống cảnh báo sớm, cây trồng thích ứng với điều kiện thời tiết… Cần khởi động các chương trình hành động chống lại các kênh phát thải khí nhà kính để loại trừ lâu dài mối đe dọa mà hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo. Điều quan trọng là triển khai các biện pháp giảm thiểu mà không ảnh hưởng tới người nghèo như khoản tiết kiệm được tạo ra bởi việc loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch có thể được tái đầu tư vào các chương trình nhằm giúp gia đình nghèo đối phó với tăng giá nhiên liệu. Thêm vào đó, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế sẽ có vai trò rất quan trọng để thực hiện những biện pháp này ở các nước nghèo, đặc biệt là đối với các khoản đầu tư với chi phí ban đầu cao.

Theo Cafe F