Nghịch lý GDP tăng trưởng cao, đời sống người dân vẫn chậm cải thiện
11/11/2015 04:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm. Bên cạnh đó, bình quân 9 tháng đầu năm nay, lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,15%. Tuy nhiên, cũng có những con số khác đối nghịch với chỉ số “đẹp” nêu trên. Đó là tỉ lệ thất nghiệp tăng, mức sống của người dân vẫn thấp. Đây phải chăng là những nghịch lý?
TS Cao Sĩ Kiêm - Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) - cho rằng, mặc dù trên các báo cáo về tình hình KTXH năm 2015 đều khẳng định nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng, lạm phát được cải thiện, nhưng trên thực tế, đời sống người dân và DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là nguồn thu ngân sách đặc biệt là thu nội địa chậm được cải thiện do DN còn gặp nhiều khó khăn và CPI ở mức thấp phản ánh đời sống người lao động (NLĐ) chưa được cải thiện. “Tôi cho rằng, tới đây chúng ta phải làm rốt ráo vấn đề chi tiêu công, siết lại các khoản chi tiêu thường xuyên, ngõ hầu mới mong tháo gỡ được vấn đề”.
TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư - lý giải: “Đang có một sự bất hợp lý là với chỉ số lạm phát thấp như hiện nay, chúng ta cần tranh thủ giảm chi phí cho người dân, DN, song trên thực tế giá hàng loạt dịch vụ công đang và sắp được điều chỉnh tăng giá. Điều chỉnh như vừa rồi không thay đổi cấu trúc, khiến giá chồng giá, phí chồng phí. Trong khi thu nhập của người dân không tăng, mà các chi phí này tăng cao nên đời sống của người dân giảm xuống. Đây là điều cần cân nhắc”.
Đồng tình, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - cho biết, theo điều tra của Viện Lao động khoa học xã hội, hiện có tới 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm, nông dân khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, người về hưu hiện không được tăng lương. Trong khi có tới 1.800 dịch vụ tăng giá, nhiều dịch vụ đang rục rịch tăng. Điều này cho thấy đang có một nghịch lý giữa CPI tăng thấp, trong khi nhiều giá dịch vụ vẫn tăng cao, NLĐ đang phải “cõng” nhiều chi phí, nhưng CPI không bao quát hết. “Điều đó cho thấy CPI đang hết sức bảo thủ. Trên thực tế, CPI hiện quá cao so với mặt bằng sức mua của người dân. Trong khi số người giàu có mức chi trả cao chỉ khoảng 15%, sức mua tăng khoảng 8-9% trong 10 tháng qua, còn đại đa số người dân thu nhập thấp và ngày càng co hẹp chi tiêu”.
Đây cũng là vấn đề đang được các chuyên gia, DN và người dân quan tâm, mong muốn có giải pháp cụ thể để tháo gỡ tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra khi bàn về tình hình KTXH năm 2015 và kế hoạch năm 2016. Bên lề hành lang cuộc họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TPHCM) nói: “GDP tăng 6,5% đối với Việt Nam không phải là cao và tôi cho rằng tăng trưởng như vậy chưa có khả năng thu hút được lao động. Điều này thể hiện rõ qua việc hàng trăm nghìn sinh viên ra trường đang thất nghiệp. Cái thứ hai chúng ta lưu ý rằng mỗi năm số lao động của chúng ta chiếm khoảng 1 triệu người và nửa triệu người LĐ chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, do vậy mỗi năm chúng ta phải tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động. Do đó việc tăng trưởng năm nay là mừng nhưng tôi cho rằng không quá tốt trong điều kiện Việt Nam”.
Ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Lai Châu) - phân tích: “Tăng trưởng kinh tế kéo theo việc giải quyết việc làm sẽ tăng lên, làm cho tỉ trọng người thất nghiệp giảm xuống. Tuy nhiên, trên thực thế lượng người thất nghiệp của Việt Nam tương đối lớn nên phải có giải pháp. Việc Chính phủ mỗi năm báo cáo hoàn thành chỉ tiêu 1,6 triệu lao động, nhưng tôi xin nói việc mỗi một năm tăng thêm 1,6 triệu người có việc làm mới, tức là tăng thêm so với cũ. Nhưng chúng ta cũng cần phải so với việc mỗi một năm có bao nhiêu người LĐ mất việc làm. Thực ra con số tạo việc làm hằng năm không thay đổi”.
Chị N.T.H (công nhân Cty Ivory, thị trấn Vũ Thư, Thái Bình): “Từ đầu năm đến nay, thu nhập của chúng tôi vẫn chỉ dừng lại ở con số 4 triệu đồng. Cty nơi tôi đang làm việc tính lương cho CN theo mức lương tối thiểu vùng 4 - 2,15 triệu đồng/tháng), cộng với các khoản phụ cấp khác, thu nhập của tôi mới được con số trên. Hằng tháng, CN đều đề xuất Cty tăng lương, nhưng Cty đều không đồng ý, nói là Cty làm ăn không có lãi nên không thể đáp ứng đề nghị của CN. Vừa qua, CN có đề nghị tăng suất ăn trưa từ 14.000 đồng lên 15.000 đồng nhưng Cty cũng không đồng ý.
Ông Nguyễn Văn Sáng - Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bình Phước: “Các KCN Bình Phước hiện có khoảng 30.000 lao động. Theo báo cáo của 65 DN có công đoàn cơ sở, tiền lương bình quân của NLĐ hiện từ 3,6 - 4,5 triệu đồng/người, tăng khoảng gần 10% so với năm 2014. Tuy nhiên, đời sống của NLĐ nhìn chung còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những CN phải đi thuê nhà”.
Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn các KCN - KCX Hà Nội: “Từ đầu năm đến nay, vẫn có những DN gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có cả những DN đóng cửa, ngừng việc, cắt giảm lao động; có DN cho công nhân nghỉ việc để hưởng 70% lương. Hiện thu nhập của NLĐ ở trong các KCN, KCX Hà Nội rơi vào khoảng 3,5 - 4,5 triệu đồng/người, tăng không nhiều so với năm trước và chỉ giảm bớt được phần nào khó khăn của NLĐ. Hiện tại, lương tối thiểu vùng mới chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ tại Hà Nội, nên công đoàn phải tăng cường đối thoại, thương lượng với chủ sử dụng lao động để tăng các khoản phụ cấp, trợ cấp cho NLĐ; hoặc NLĐ phải làm thêm giờ để tăng thu nhập.
Theo 24h.com.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT