Nhà nước có trách nhiệm bảo hộ quỹ BHXH

20/10/2015 07:55 AM


Hiện nay, ngân sách nhà nước (NSNN) phải bố trí tăng nhiều khoản chi để cải cách tiền lương, BHXH, trợ cấp xã hội, ưu đãi người có công…, nên việc cân đối trả quỹ BHXH gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để giảm bớt áp lực cho NSNN, Chính phủ đề xuất thực hiện theo phương án: Nhà nước xác nhận nợ số tiền gốc phải chuyển vào quỹ BHXH và NSNN thực hiện trả lãi.

Công tác chi trả lương hưu cho người thụ hưởng luôn được ngành BHXH thực hiện tốt

Tách bạch việc ngân sách nợ quỹ BHXH

Ông Huỳnh Quang Hải- Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Luật BHXH quy định, hằng năm Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào quỹ BHXH để bảo đảm đủ trả lương hưu, trợ cấp BHXH đối với người hưởng lương hưu trước 1/1/1995 và đóng BHXH cho thời gian NLĐ làm việc trước 1/1/1995 đối với NLĐ có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1/1/1995. Năm 2015, cả nước còn khoảng 1,32 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH trước năm 1995; số lao động có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước từ trước năm 1995 khoảng 2,55 triệu người. Như vậy, ngân sách phải chuyển trả quỹ BHXH để chi cho những NLĐ này khoảng 22.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, NSNN đang phải chi nhiều khoản để cải cách tiền lương, BHXH, trợ cấp xã hội, ưu đãi người có công…, nên việc cân đối trả quỹ BHXH gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để giảm bớt áp lực cho NSNN, Chính phủ đề xuất thực hiện theo phương án, Nhà nước xác nhận nợ số tiền gốc phải chuyển vào quỹ BHXH và NSNN thực hiện trả lãi.

Chia sẻ với khó khăn của NSNN, song ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, việc ngân sách chuyển tiền đóng BHXH cho những người trước năm 1995 cần phải xác định rạch ròi và nên làm 2 phương án (xác định tiền gốc, trả lãi hằng năm) bởi đây là tiền của quỹ BHXH và cũng là tiền của NLĐ. Nhà nước ghi nợ khoản này và hằng năm sẽ trả lãi theo trái phiếu Chính phủ nhưng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm có quyết định về vấn đề này.

Đồng quan điểm, ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: Đồng ý với việc NSNN trả lãi quỹ BHXH nhưng Quốc hội nên có ý kiến, có lộ trình trả số tiền gốc hằng năm bằng cách tiết kiệm chi tiêu để có thể 5 hay 10 năm sẽ trả xong nợ gốc. Còn nếu Chính phủ thực hiện vào thời điểm thích hợp và tuỳ khả năng cân đối NSNN thì không biết bao nhiêu nhiệm kỳ nữa mới trả xong khoản nợ đóng BHXH cho người tham gia trước 1/1/1995.

“Chính phủ xác nhận nợ tiền quỹ BHXH nhưng cần lộ trình trả số nợ đó. NSNN tham gia BHXH cho NLĐ cũng phải bình đẳng như mọi thành phần lao động khác. Mặt khác, đây là nguồn của quỹ BHXH để chi trả cho NLĐ”- ông Phong nhấn mạnh.

Còn theo bà Trần Thị Thuý Nga- Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), xung quanh việc NSNN chuyển kinh phí vào quỹ BHXH để đóng BHXH cho NLĐ có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước năm 1995 là 22.000 tỷ đồng. Dù là nợ, nhưng cũng phải sòng phẳng bởi nhóm đối tượng này khi nghỉ hưu, trung bình lương hưu mỗi tháng ít cũng vài ba triệu đồng. Trong khi đó, mức chuyển đóng BHXH cho họ chỉ tính bằng mức hơn 330.000 đồng. “Chính vì vậy, vẫn phải để 2 phương án cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định (ghi nhận nợ 22.000 tỉ đồng hoặc tính sòng phẳng- PV). Không thể trả lương từ 5- 7 triệu đồng/tháng mà chỉ đóng BHXH bình quân 330.000 đồng”- bà Nga cho biết.

Vai trò Nhà nước với BHXH

BHXH Việt Nam là cơ quan đặc thù, thực hiện khối lượng công việc lớn, từ thu, chi, giải quyết chế độ, quản lý quỹ BHXH, quỹ BHYT; đầu tư quỹ BHXH; giám định chi phí KCB BHYT tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, mỗi cán bộ BHXH quản lý 3.700 đối tượng từ khi sinh ra đến lúc chết. Hiện nay, mức chi của BHXH Việt Nam hằng năm do Bộ Tài chính tính toán.

Vì vậy, để đảm bảo thu nhập ổn định và khuyến khích cán bộ ngành BHXH nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngày 7/9/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2012/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm mức chi tiền lương, thu nhập đối với ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2012- 2015. Trong đó, quy định mức chi tiền lương bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với CBCCVC do Nhà nước quy định (lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp, trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ).

Ông Nguyễn Văn Tiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Vấn đề thiết thực nhất chính là chi phí tiền lương, thu nhập để cán bộ BHXH làm việc, phục vụ. Còn với các khoản chi khác như: tuyên truyền, xây dựng cơ bản, CNTT… là các khoản chi phục vụ hoạt động thường xuyên, ngành nào cũng phải có để hoạt động. Cũng cần tính toán biên chế ra sao để cán bộ BHXH giảm làm ngoài giờ…

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thuý- Ủy viên Thường trực ủy ban này, BHXH là ngành phục vụ cho an sinh xã hội và theo Điều 34 Hiến pháp 2013 có quyền cơ bản rất lớn. Đồng thời cơ quan BHXH cũng không phải là đơn vị sự nghiệp công thuần tuý như y tế hay giáo dục mà thực hiện thu, chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo luật định. Đặc biệt, công việc thu, chi từ năm 1995 đến nay rất khó khăn. “Tôi nghĩ rằng, trong bước tiến tới đây, Nhà nước cũng phải dành ngân sách để chi cho đầu tư phát triển chứ không phải BHXH lấy quỹ ra chi đầu tư phát triển được, vì đây là chi bộ máy phục vụ an sinh xã hội của đất nước”- bà Thúy nói.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn