Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề về an sinh xã hội
20/10/2015 02:06 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Mặc dù đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện các chính sách ASXH trong thời gian qua, cử tri và nhân dân vẫn còn nhiều tâm tư, lo lắng trước tình hình kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững, một số vấn đề xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân chưa được giải quyết…
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, chuẩn bị cho kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 2.024 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 2.468 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Đảm bảo nguồn lực ổn định kinh tế
Theo Báo cáo, các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tập trung vào 7 vấn đề lớn gồm: Tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn; sản xuất, kinh doanh; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; giáo dục, đào tạo và việc làm; đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường; giao thông, vận tải và an toàn giao thông; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và khiếu nại, tố cáo.
Cụ thể, về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc huy động đóng góp của người dân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vẫn cao, việc lựa chọn con giống, cây giống có năng suất, chất lượng, phù hợp và có tính ổn định lâu dài với từng địa phương cũng như việc thực hiện liên kết “4 nhà” đã triển khai chưa thực sự hiệu quả; những khó khăn trong tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp...
Về sản xuất, kinh doanh, các ý kiến tiếp tục phản ánh những bất cập trong quản lý giá xăng, điện, nước, vật tư nông nghiệp… và bày tỏ mong muốn Chính phủ khuyến khích hình thành và phát triển thị trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng các DN có vị thế độc quyền định giá không hợp lý, thiếu minh bạch.
Trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, những lo ngại của nhân dân tập trung vào một số bất cập trong công tác KCB như quá tải, dịch vụ KCB BHYT chưa tốt, giá thuốc, chất lượng thuốc chưa được quản lý chặt chẽ, mất ATVSTP…
Với lĩnh vực giáo dục, đào tạo và việc làm, cử tri và nhân dân cả nước đề nghị Bộ GD-ĐT tổng kết rút kinh nghiệm về những bất cập thực hiện kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2015 “hai trong một” đầu tiên và việc xét tuyển đại học, cao đẳng vừa qua; tình trạng dạy thêm và học thêm vẫn phổ biến ở các cấp học, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn; tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục công lập dưới hình thức “đóng góp tự nguyện” của hội cha mẹ học sinh; tình trạng sinh viên ra trường nhiều năm nhưng vẫn chưa có việc làm.
Trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường, vấn đề đáng lo ngại lớn nhất hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường; việc quản lý đất đai thiếu hiệu quả, lãnh phí của các nông, lâm trường; nạn phá rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép...
Lĩnh vực giao thông, vận tải và an toàn giao thông khiến người dân chưa hài lòng về vấn đề về ùn tắc giao thông, việc thi công các công trình giao thông còn chậm...
Đánh giá tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và khiếu nại, tố cáo, Báo cáo nổi lên những lo lắng về tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, phần lớn liên quan đến thu hồi, giải tỏa, đền bù đất đai; việc cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nhiều nơi quá chậm, tồn đọng nhiều, thủ tục còn gây phiền hà cho người dân; việc chuyển đổi mô hình chợ tại một số địa phương còn nhiều bất cập.
Bên cạnh những ý kiến, kiến nghị nêu trên, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ và các cơ quan nhà nước quan tâm giải quyết một số vấn đề khác như: Tình hình hạn hán kéo dài và thường xuyên ở các tỉnh miền Trung; tình trạng quản lý các dịch vụ văn hóa, giải trí, internet chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; quảng cáo không đúng sự thật; tính hiệu quả của việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm về phát triển kinh tế- xã hội, các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn ODA; tình trạng sử dụng Amiăng trắng là chất được cảnh báo có nguy cơ gây ung thư, ô nhiễm môi trường vẫn chưa được hạn chế; hiệu quả chưa cao của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các DN Việt Nam chưa tích cực chuẩn bị để khai thác các cơ hội to lớn và sẵn sàng với các thách thức mới khi các hiệp định thương mại tự do mới ký kết có hiệu lực...
Nhiều vi phạm trong thực hiện pháp luật về BHXH
* Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho biết, trong năm 2015, Ban Thường trực Ủy ban đã triển khai 8 chương trình giám sát về các vấn đề các vấn đề liên quan đến việc chấp hành các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ASXH, trong đó có Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH trong các loại hình DN.
Theo đó, tính đến ngày 15/10/2015, chương trình đã hoàn thành việc triển khai giám sát tại 2/6 tỉnh được lựa chọn tiến hành là Nam Định và Hà Nam. Kết quả cho thấy, việc thực hiện pháp luật về BHXH hiện nay còn một số tồn tại. Cụ thể: tỷ lệ nợ đọng BHXH lớn, việc thu hồi nợ BHXH chưa cao; số DN chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên 3 tháng còn nhiều, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện của NLĐ rất thấp; nhiều DN chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động về hợp đồng lao động, thang lương, bảng lương, quy chế lao động, nội quy lao động và đăng ký tham gia BHXH cho NLĐ; việc giải quyết các chế độ BHXH về chế độ ốm đau, thai sản cho NLĐ còn chậm, thường chờ cơ quan BHXH quyết toán mới chi trả cho NLĐ; nhận thức của NLĐ về tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn chưa rõ ràng.
Qua giám sát, các đơn vị và địa phương kiến nghị: Chính phủ có văn bản hướng dẫn giải quyết dứt điểm đối với các DN có chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động; các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi Điều 102 của Luật BHXH năm 2014 về thời hạn làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau, thai sản; BHXH Việt Nam sớm có văn bản chỉ đạo thực hiện Luật BHXH năm 2014; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền và chính sách pháp luật.
Nguồn baobaohiemxahoi.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT