Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Minh bạch các yếu tố chi phí

18/10/2015 09:26 AM


Dự thảo Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc đang được Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam hoàn thiện đã đề xuất điều chỉnh giá khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục đang được BHYT thanh toán. Vì sao lại phải điều chỉnh? Trao đổi với PV Báo BHXH, ông Phạm Lương Sơn- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết:

- Hiện nay, giá dịch vụ KCB đang được thực hiện theo quy định tại 2 văn bản là Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTB&XH ngày 26/1/2006 (quy định mức giá của 911 dịch vụ, kỹ thuật y tế) và Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/2/2012 (quy định mức giá tối đa của 447 dịch vụ, kỹ thuật y tế).

Theo Thông tư 04, chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB công lập được thanh toán theo mức giá dịch vụ KCB do Bộ Y tế (đối với BV trực thuộc Bộ) hoặc HĐND cấp tỉnh phê duyệt (đối với cơ sở KCB trên địa bàn) nên mỗi nơi một giá khác nhau. Với các cơ sở KCB tư nhân, các BV bán công, BV công thực hiện cơ chế tự chủ hoặc các dịch vụ xã hội hóa thực hiện trong các BV công lập thì mức giá dịch vụ KCB được phép tính đúng, tính đủ. Do mức giá thanh toán BHYT không vượt quá mức giá của BV công lập cùng hạng trên địa bàn, nên phần chênh lệch sẽ do người bệnh tự trả. Điều này dẫn đến tình trạng cùng một dịch vụ kỹ thuật (DVKT), nhưng ở mỗi BV, người bệnh có thể phải trả thêm số tiền rất khác nhau.

Danh mục các dịch vụ KCB ban hành theo Thông tư 03 ban hành cách đây đã gần 10 năm. Hiện nay, vật tư y tế (VTYT), thiết bị y tế (TTB) ngày càng hiện đại, chi phí lớn nhưng mức giá DVKT vẫn chưa được cập nhật, điều chỉnh; mức giá KCB không đủ để BV mua sắm các loại VTYT để đảm bảo thực hiện các DVKT cứu chữa cho người bệnh, do đó dẫn đến tình trạng BV thu ngoài, thu thêm. Có những chi phí thu thêm do VTYT chi phí lớn không thể coi là đã tính vào giá do giá thấp, nhưng cũng có nhiều trường hợp bắt người bệnh tự mua cả những VTYT chi phí thấp đã được tính trong giá DVYT rất vô lý.

Thêm một điểm chung của tất cả các dịch vụ KCB này là mới tính 3/7 các chi phí trực tiếp (gồm các chi phí thuốc, VTYT tiêu hao; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng TTB, máy móc). Lần này, điều chỉnh giá không chỉ là kết cấu thêm chi phí tiền lương, tiền công, phụ cấp, mà còn điều chỉnh giá của 3 yếu tố ban hành theo Thông tư 03, 04. Một số dịch vụ có mức giá cao hơn giá thị trường sẽ đề nghị điều chỉnh giảm (như xét nghiệm HbsAg, HIV test nhanh, xét nghiệm Điện giải đồ, DVKT lấy cao răng, nhổ răng sữa...), một số DVKT giá thấp trong khi chi phí cho VTYT rất lớn sẽ được bổ sung, làm rõ các phần chi phí chưa tính vào giá, làm cơ sở để cơ quan BHXH thanh toán riêng ngoài giá DVYT và người bệnh sẽ không phải tự trả các chi phí này.

* PV: Việc điều chỉnh giá này sẽ tác động như thế nào đến người có thẻ BHYT nói riêng và người bệnh nói chung, thưa ông?

- Ông PHẠM LƯƠNG SƠN:

Việc ban hành Thông tư quy định mức giá được tính cả chi phí trực tiếp và tiền lương là một đòi hỏi thực tế, khách quan, theo quy định của pháp luật. Không phải là tăng chi phí để thực hiện các DVYT mà là chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các BV vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Những người chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, đối với người chưa có thẻ BHYT, tạm thời vẫn tiếp tục áp dụng mức giá dịch vụ theo quy định tại Thông tư 03 và Thông tư 04. Trong năm 2016, liên bộ sẽ xem xét, hướng dẫn việc thực hiện đối với người không có thẻ BHYT.

Riêng đối với người có thẻ BHYT, việc điều chỉnh giá DVYT lần này cũng có lợi nhiều hơn. Cụ thể, được Quỹ BHYT thanh toán cùng một mức giá khi sử dụng dịch vụ KCB BHYT tại các cơ sở KCB công lập; không phải chi trả thêm một số chi phí trước đây chưa kết cấu vào giá, phần chi phí chênh lệch do sử dụng các dịch vụ KCB theo yêu cầu, KCB xã hội hóa hay KCB BHYT tại các cơ sở tư nhân, bán công sẽ giảm. Bên cạnh đó, hy vọng rằng việc tính tiền lương vào giá sẽ góp phần dần từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, khuyến khích các BV triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế hiện đại để người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn.

Việc tăng giá DVYT cũng sẽ khiến một số nhóm đối tượng bị tăng số tiền đồng chi trả. Tuy nhiên, số tiền đồng chi trả đó có thể vẫn ít hơn số tiền BV thu chênh hoặc thu thêm do giá DVYT thấp. Nhóm có thể bị ảnh hưởng nhiều nhấp là các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không nhiều vì nếu chưa tính đủ giá, người bệnh phải trả thêm một số khoản chi phí, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm. Mặt khác, ngay từ ngày 1/1/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở  thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

* Như ông vừa nói, việc tăng giá DVYT chính là hình thức chuyển các khoản bao cấp trực tiếp của Nhà nước cho các BV sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT; đồng thời, làm minh bạch các phần chi phí chưa tính vào giá làm cơ sở để cơ quan BHXH thanh toán riêng ngoài giá DVYT. Vậy, với mức chi trả tăng này, phí đóng BHYT có cần điều chỉnh tăng không, thưa ông?

- Hiện nay, Chính phủ đang giao liên bộ khẩn trương hoàn chỉnh để ban hành Thông tư vào cuối năm 2015, với lộ trình thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện KT-XH của đất nước. Dự kiến, lộ trình thực hiện 2 bước như sau: Trong năm 2015 (dự kiến cuối tháng 11 đầu tháng 12), khi Thông tư ban hành có hiệu lực thì thực hiện theo mức giá gồm Chi phí trực tiếp và Phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật). Từ ngày 1/3/2016 sẽ thực hiện mức giá theo đúng lộ trình tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, bao gồm cả tiền lương. Mức giá áp dụng mỗi giai đoạn ước tăng khoảng 30% so với mức giá hiện nay, tuy nhiên, ở mỗi địa phương cũng sẽ có sự khác biệt, do mức giá được phê duyệt trước đây ở mỗi nơi một khác.

Với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ KCB dự kiến này, Quỹ BHYT có khả năng cân đối đến hết năm 2017. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá đối với người không có thẻ BHYT cũng sẽ thúc đẩy đối tượng này tham gia BHYT. Đồng thời, Nhà nước sẽ chuyển dần phần ngân sách đang cấp cho các BV hiện nay (dự kiến khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm) sang hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT, giúp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân nhanh hơn. Do đó, tùy theo tình hình thực tế, từ năm 2018, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức đóng cho phù hợp. Theo quy định của Luật BHYT thì mức đóng BHYT tối đa là 6% tiền lương, tiền công, hiện nay đang là 4,5%.

* Ông có thể cho biết Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã tính đến các giải pháp nào để hạn chế tác động tiêu cực đến người dân khi tính đúng, tính đủ giá DVYT?

- Chúng ta phải nhìn nhận rõ rằng, việc ban hành Thông tư liên tịch này cũng như thực hiện lộ trình điều chỉnh giá DVYT là rất cần thiết, nhằm thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công, trong đó có DVYT theo chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.

Cùng với việc ban hành Thông tư, Bộ Y tế sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ và đề nghị các tỉnh khẩn trương thành lập lại Quỹ KCB cho người nghèo quy định tại Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg để huy động nguồn lực hỗ trợ người nghèo của địa phương khi đi KCB. Đồng thời, chỉ đạo các BV có chênh lệch thu lớn hơn chi phải trích Quỹ hỗ trợ KCB theo quy định tại Nghị định 85/2012/NĐ-CP để có nguồn hỗ trợ cho người bệnh trong trường hợp khó khăn, không đủ khả năng chi trả chi phí KCB.

Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố có giải pháp quyết liệt để tăng tỉ lệ người dân tham gia BHYT; các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn hợp pháp khác và Bộ Y tế cũng sẽ huy động một số dự án ODA để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Các địa phương khẩn trương hỗ trợ người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT.

BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo BHXH các tỉnh thực hiện nghiêm túc quy định về việc người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, nếu phần đồng chi trả vượt 6 tháng lương cơ sở thì sẽ được cơ quan BHXH thanh toán phần vượt này.

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn baobaohiemxahoi.vn