Góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Cần đảm bảo tính đặc thù và khả thi

15/10/2015 07:43 AM


BHXH Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Tư pháp nội dung góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đáng chú ý, những quy định liên quan đến lĩnh vực BHXH đã được Ngành phân tích và có đề xuất cụ thể, thiết thực...

Theo BHXH Việt Nam, gần 20.000 CBCCVC trong toàn Ngành đã tham gia góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trong đó đa số ý kiến đồng thuận bởi dự thảo này phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; thể hiện đúng vai trò là công cụ hữu hiệu để bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường; duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh; bảo đảm tính minh bạch, công khai... Đặc biệt, đã tội phạm hóa được các hành vi nguy hiểm cho xã hội phát sinh trong lĩnh vực BHXH (gian lận và trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp)...

Cần phải xử lý hình sự vi phạm trong lĩnh vực BHXH để bảo vệ quyền lợi NLĐ

Liên quan lĩnh vực BHXH, các ý kiến đều tán thành việc cần thiết phải hình sự hoá các hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (được quy định tại các Điều 218, 219, 220); đồng thời tập trung làm rõ một số nội dung liên quan đến dấu hiệu pháp lý của 3 tội danh trên. Theo đó, trong “Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp” (Điều 218) và “Tội gian lận BHYT” (Điều 219), các ý kiến cho rằng số tiền bị chiếm đoạt được quy định trong dự thảo (từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng) mới bị xử lý hình sự (không có hình phạt tù) là không hợp lý, bởi đây thực chất là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối lập hồ sơ giả, làm sai lệch nội dung của hồ sơ.

Trong khi đó, số tiền chiếm đoạt trong “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 173) chỉ từ 2 triệu đồng đã cấu thành tội phạm và có thể bị phạt tù đến 3 năm. Do đó, cần quy định lại mức tiền chiếm đoạt và mức hình phạt nhằm đảm bảo tính khả thi và nghiêm minh. Đồng thời, cần phân biệt chủ thể thực hiện các hành vi này, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản nếu chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn; cần quy định cao hơn về hình phạt tiền cho phù hợp với số tiền chiếm đoạt (dự thảo quy định mức phạt từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng là thấp).

Về “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” (Điều 220), cũng cần nghiên cứu bổ sung thêm hành vi chiếm dụng tiền đã đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ. Bởi thực tế có nhiều chủ SDLĐ hằng tháng vẫn khấu trừ lương của NLĐ, nhưng lại không nộp vào quỹ BHXH mà sử dụng vào mục đích khác. Trong khi đó, hình phạt tiền bổ sung quy định tại Khoản 4 (đến 1 tỷ đồng) là quá cao, không khả thi, vì hình phạt chính đã là phạt tiền theo tỷ lệ số tiền trốn đóng.

Còn về quy định miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội (Khoản 5) trong trường hợp họ nộp toàn bộ số tiền trốn đóng và đã khắc phục toàn bộ hoặc một phần thiệt hại vật chất xảy ra trước khi xét xử. Theo BHXH Việt Nam, do có những thiệt hại phi vật chất (chính trị, uy tín, an sinh xã hội…) khó có thể khắc phục toàn bộ được; nên cần  điều chỉnh lại theo hướng: “Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp nộp toàn bộ số tiền trốn đóng bảo hiểm và đã khắc phục toàn bộ hoặc một phần thiệt hại vật chất xảy ra trước khi xét xử”.

Cũng theo BHXH Việt Nam, 3 điều liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT cần được diễn đạt lại cho thống nhất, vừa đảm bảo tính đặc thù, vừa đảm bảo tính khả thi. Cụ thể như:

- Về Điều 218 “Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp”: Đề nghị điều chỉnh theo hướng giảm mức tiền chiếm đoạt (Khoản 1) xuống từ 5 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng và bổ sung thêm mức phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm cho phù hợp với các tội có yếu tố chiếm đoạt và đảm bảo tính khả thi của điều luật. Trường hợp chủ thể phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn thì không nên áp dụng tội danh này mà áp dụng theo Điều 366 nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, đúng người, đúng tội; đồng thời, nâng mức phạt tù của Khoản 2 lên từ 2 năm đến 7 năm; bổ sung tình tiết dùng thủ đoạn xảo quyệt, gây hậu quả nghiêm trọng; điều chỉnh lại mức phạt tiền là hình phạt bổ sung (Khoản 4) từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.

- Về Điều 219 “Tội gian lận BHYT”: Các nội dung của Điều này được thiết kế tương tự Điều 218. Ngoài ra, đề nghị sửa một số nội dung của điều luật nhằm phản ánh đầy đủ các hành vi gian lận và thống nhất mức phạt tiền, như: Bổ sung thêm các trường hợp kê đơn thuốc; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT; sử dụng thẻ BHYT tại Khoản 1 để đảm bảo tính thực tiễn. Đồng thời, quy định lại mức phạt tiền tương ứng như tại Điều 218...

- Về Điều 220 “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ”: Theo báo cáo của BHXH các địa phương, hiện nay số DN sử dụng khoảng 10 lao động chiếm tỉ lệ không nhỏ; do đó, việc quy định số người trốn đóng từ 20 người trở lên sẽ dẫn đến tình trạng nhóm DN sử dụng dưới 20 lao động cố tình chiếm dụng, nợ đọng BHXH kéo dài. Vì vậy, BHXH Việt Nam đề nghị điều chỉnh số tiền trốn đóng và số người bị trốn đóng theo hướng giảm hơn so với dự thảo cho phù hợp thực tiễn. Cụ thể, số tiền trốn đóng (Điều a, Khoản 1) giảm xuống từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; số người bị trốn đóng (Điểm b, Khoản 1) giảm xuống từ 10 đến dưới 50 người.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị xử lý hành vi chủ SDLĐ chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ. Qua nghiên cứu, BHXH Việt Nam nhận thấy, hành vi này xét cho cùng cũng là hành vi trốn đóng nên không cần thiết quy định thành tội riêng. Tuy nhiên, so với trường hợp trốn thông thường, thì trường hợp này nguy hiểm hơn, nên cần tăng nặng hình phạt. Đồng thời, đề nghị điều chỉnh giảm hình phạt tiền là hình phạt bổ sung từ 1 tỷ đồng xuống 300 triệu đồng để đảm bảo tính khả thi...

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng cho rằng, tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là tội phạm gắn với lợi ích kinh tế của cả bên bị hại cũng như bên phạm tội; mục đích truy cứu trách nhiệm hình sự loại hành vi này cũng nhằm trước hết là bảo vệ quỹ BHXH, BHYT, bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự vừa phải đảm bảo thu hồi được tiền đóng BHXH, BHYT; vừa tạo điều kiện cho bên có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, BHXH Việt Nam đề nghị không nên quy định hình thức tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn tại Điểm d, Khoản 6.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn