Báo động tình trạng trốn đóng BHXH- Bài 5: Nhà trường cũng vi phạm!

15/10/2015 09:22 AM


Chỉ ký HĐLĐ và đăng ký đóng BHXH, BHYT cho vài chục NLĐ là các giảng viên cơ hữu, thế nhưng Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM (số 12, đường Trịnh Đình Thảo, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) vẫn được phép tuyển hàng ngàn chỉ tiêu. Điều này là rất bất thường và mâu thuẫn với các quy định pháp luật!

“Vênh” số liệu

Theo quy định tại Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT (quy định về điều kiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh) thì căn cứ để các trường ĐH, CĐ xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm phải dựa vào 2 tiêu chí gồm: Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo/1 SV; Số HSSV chính quy/1 giáo viên, giảng viên quy đổi của cơ sở đào tạo. Theo đó, nhóm các Trường CĐ được quy định rõ không được quy đổi vượt quá 30 SV/1 giảng viên. Tại khoản 3, Điều 3 của Thông tư này cũng nêu “Giáo viên, giảng viên của cơ sở đào tạo ngoài công lập: Là giáo viên, giảng viên HĐLĐ dài hạn, làm việc toàn phần tại cơ sở đào tạo”.

Thế nhưng, Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM là trường dân lập, hoạt động từ năm 2000, năm học 2015- 2016 này, trường được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh 2.150 chỉ tiêu SV đầu vào. Nếu tính theo tiêu chí của Bộ GD-ĐT đưa ra về điều kiện giảng viên thì với số lượng tuyển sinh 2.150 chỉ tiêu, Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM phải có ít nhất trên 70 giảng viên cơ hữu. Tuy nhiên, theo số liệu mà trường này cung cấp, hiện số giảng viên đang làm việc tại đây chỉ là 46 người!

Bà Nguyễn Hằng Nga- Phó Giám đốc BHXH quận Tân Phú cho biết, hiện Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM đang tham gia BHXH, BHYT cho 86 người gồm cả giảng viên, và các chức danh khác như văn phòng, quản lý giáo dục…

Trong khi đó, một giảng viên (xin được giấu tên) cho biết, trường chỉ tham gia BHXH, BHYT cho vài chục giảng viên chính, còn lại là trả lương khoán việc. Tại sao cùng làm công tác giảng dạy mà nhà trường lại đối xử như vậy? Chính sách BHYT được Nhà nước quy định bắt buộc, tất cả HS đều phải tham gia. Tuy nhiên, tại Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, Ban giám hiệu “thả nổi” công tác này. Vì vậy tỉ lệ tham gia BHYT của trường năm nào cũng thấp.

Chờ…

Trước tình trạng này, PV Báo BHXH đã liên hệ với Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM để làm rõ vấn đề. Tiếp PV, ông Nguyễn Minh Đức- Chủ tịch HĐQT nhà trường phân trần: Thời gian qua HĐQT của trường cũng chưa ổn định, nhiều vấn đề “lùm xùm” liên tục phải giải quyết, nhưng việc đóng BHXH, BHYT trường có sổ sách… Dù vậy, vị Chủ tịch HĐQT đã không đi thẳng vào các vấn đề cần trao đổi mà yêu cầu phóng viên về làm… “công văn” thì ông sẽ trả lời!

Để làm rõ hơn về tính hợp pháp trong hoạt động tuyển sinh và sử dụng lao động của Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, PV đã làm việc với ông Hà Hữu Phúc- Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT phía Nam. Ông Phúc khẳng định, báo chí là một kênh thông tin quan trọng đóng góp cho công tác quản lý của Bộ và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm của các trường ĐH, CĐ nào.

Trường hợp của Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, ông Phúc chưa trả lời ngay được mà phải rà soát, kiểm tra lại. Ông cũng đề nghị PV cung cấp các cơ sở, chứng cứ pháp lý liên quan… Nếu có thể tới đây Bộ sẽ tổ chức một buổi làm việc công khai giữa Bộ GD-ĐT và Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM có sự chứng kiến của PV để làm rõ- ông Phúc nói. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin thêm về vụ việc này.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn