Tiếp cận chính sách BHXH, BHYT: Để lao động nữ không “yếu thế”

20/10/2015 09:31 AM


Ngoài BHXH, BHYT bắt buộc, pháp luật đã quy định thêm loại hình BHXH, BHYT tự nguyện nhằm tạo cơ hội cho mọi người dân, trong đó có phụ nữ tham gia. Tuy nhiên, do gặp nhiều rào cản nên việc tiếp cận chính sách BHXH, BHYT của phụ nữ vẫn chỉ dừng lại ở mức thấp. Bà Bùi Thị Hòa- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chia sẻ với PV Báo BHXH về vấn đề này.

* PV: Từ ngày 1/1/2016, Luật BHXH (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực. Bà có đánh giá gì về những điểm mới của Luật đối với quyền lợi của lao động nữ?

- Bà BÙI THỊ HÒA:

Chúng tôi đánh giá rất cao việc sửa đổi Luật BHXH, cũng như Bộ luật Lao động. Trong đó, có chính sách dành cho lao động nữ, có những điểm rất tiến bộ.

Một là, việc tăng thời gian hưởng chế độ thai sản của lao động nữ từ 4 tháng lên 6 tháng rõ ràng là rất tốt, giúp người mẹ đảm bảo sức khỏe sau sinh, và đặc biệt có thời gian chăm sóc, cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.

Thứ hai, chúng tôi rất ủng hộ việc Luật đã thể hiện rõ sự bình đẳng giới. Đó là, cho phép lao động nam đang đóng BHXH cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con (theo từng trường hợp cụ thể). Đây là những điểm mới hết sức tiến bộ, nhằm khuyến khích sự chia sẻ của nam giới trong trách nhiệm sinh và nuôi con- công việc tưởng chừng từ trước đến nay chỉ dành cho phụ nữ.

Ngoài những điểm mới trên, chính sách pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, cũng rất tạo điều kiện, mở “cơ hội” giúp những lao động nữ, cán bộ nữ chuyên trách ở cấp cơ sở được hưởng lương hưu khi về già khi họ chưa đủ 20 năm tham gia BHXH.

Đặc biệt, cũng như nam giới, phụ nữ tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, BH thất nghiệp được hưởng đầy đủ các chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ, tử tuất, hưu trí. Luật BHXH còn quy định thêm loại hình BHXH, BHYT tự nguyện nhằm tạo cơ hội cho nhiều phụ nữ tham gia.

* Mặc dù được hưởng nhiều quyền lợi như vậy, song hiện nay việc tiếp cận chính sách BHXH, BHYT với phụ nữ còn nhiều hạn chế. Thực trạng này do đâu, thưa bà?

- Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân trước hết là do nhận thức xã hội. Không ít người vẫn cho rằng, những công việc gia đình, hay sinh con, nuôi con là công việc của phụ nữ. Dẫn đến, phụ nữ ít có điều kiện tìm hiểu, tham gia các chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT nói riêng. Vì vậy, để phụ nữ tiếp cận được với các chính sách này, đầu tiên cần phải nâng cao nhận thức của xã hội về phụ nữ nhiều hơn nữa.

Luật BHXH quy định nữ giới được hưởng một số quyền lợi trong thời gian sinh con, đã thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, vì lý do này mà không ít DN chỉ ưu tiên tuyển dụng nam giới, hơn là nữ giới nhằm đảm bảo lợi ích kinh doanh. Chính thực tế này cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận chính sách BHXH, BHYT cho lao động nữ tại các DN.

Đặc biệt, đối với phụ nữ lao động tự do thì việc tiếp cận chính sách BHXH, BHYT lại càng gặp nhiều rào cản. Chỉ tính, phụ nữ làm nông nghiệp, khi nông nhàn, họ còn tham gia những công việc bán thời gian khác. Luật BHXH, Luật BHYT đã có quy định BHXH, BHYT tự nguyện cho những đối tượng này, nhưng lại chưa được chính họ quan tâm. Tôi nghĩ, cần phải có những biện pháp thiết thực để nâng cao hiểu biết của họ về chính sách BHXH, BHYT, từ đó vận động họ tham gia.

Chưa kể, chính sách BHXH tự nguyện hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu của phụ nữ như có chế độ thai sản, TNLĐ; hay mức phí tham gia đóng BHXH được cho là cao so với khả năng thu nhập của họ; chất lượng KCB BHYT còn hạn chế… cũng là những nguyên nhân khiến chính sách BHXH, BHYT tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn lao động nữ giới trong khu vực phi chính thức tham gia.

* Hội LHPN Việt Nam có kiến nghị, đề xuất gì nhằm tạo điều kiện giúp phụ nữ tiếp cận chính sách pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn?

- Hiện nay, Hội cũng đang tích cực nghiên cứu, tìm hiểu để đề xuất những chính sách an sinh xã hội rộng hơn cho lao động nữ nghèo ở khu vực nông thôn. Ví dụ như chế độ hỗ trợ cho họ khi sinh con, bởi đây là nhóm đối tượng khá đông, nhưng hiện chưa có sự hỗ trợ nào. Vừa qua, Nghị định 39 của Chính phủ về việc phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo sinh con đúng chính sách được Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng. Nhưng rõ ràng, đó mới chỉ dành cho đối tượng nữ giới ở phạm vi hạn hẹp, còn lại phụ nữ nông thôn nghèo thì chưa... Do vậy, chúng tôi cũng đang có những tiếp cận, đề xuất theo hướng này. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu xem những dịch vụ hỗ trợ như thế nào để giúp phụ nữ giảm bớt gánh nặng trách nhiệm công việc gia đình và chăm sóc con cái. Ví dụ thành lập những tổ nhóm giữ trẻ gia đình, nhóm giữ trẻ khu vực nông thôn. Từ kết quả khảo sát, chúng tôi sẽ hình thành đề xuất cụ thể.

Bên cạnh đó, Hội LHPN Việt Nam cũng luôn phải thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng giám sát phản biện xã hội về phụ nữ và bình đẳng giới. Chúng tôi cũng sẽ theo dõi sát việc thực thi những chính sách pháp luật BHXH, BHYT đối với đối tượng là nữ giới như thế nào để có cơ sở kiến nghị, đề xuất với các cơ quan bộ, ngành liên quan.

* Xin cảm ơn bà!

Nguồn baobaohiemxahoi.vn