Việt Nam có nhiều nỗ lực trong cải cách thuế và bảo hiểm xã hội
21/12/2015 07:09 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việt Nam đang từng bước giảm gánh nặng nộp thuế cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhưng vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục cải cách.
Đây là ý kiến của bà Joanna Nasr, đồng tác giả Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại Hội thảo Chỉ số nộp thuế, bảo hiểm xã hội và đề xuất cải cách cho Việt Nam do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 18/12.
Bước đầu áp dụng các thông lệ tốt
Bà Joanna Nasr cho rằng, ngành thuế đã triển khai các thông lệ tốt như: Cơ chế tự khai tự nộp giúp thu thuế sớm hơn và giảm khả năng xảy ra tranh chấp về việc tính thuế.
Cơ chế này cũng giảm cơ hội xảy ra tham nhũng. Ngoài ra, Việt Nam đẩy nhanh ứng dụng hệ thống kê khai và nộp thuế điện tử nhằm giảm khối lượng công việc, giảm chi phí hoạt động và thời gian cho cơ quan thuế và tăng cường tỷ lệ tuân thủ.
Hệ thống này tiết kiệm thời gian cho người nộp thuế nhờ tránh được sai sót và tạo điều kiện dễ dàng cho việc chuẩn bị, nộp tờ khai và nộp thuế. Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đang hướng tới mục tiêu xây dựng các loại thuế có cùng căn cứ tính được xử lý như nhau thì DN sẽ tuân thủ dễ dàng và thuận lợi hơn.
Đại diện lãnh đạo đơn vị thực hiện cải cách, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí khẳng định, cải cách thủ tục hành chính luôn được Tổng cục Thuế ưu tiên hàng đầu.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã cùng cơ quan BHXH Việt Nam quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tính đến nay, tổng số giờ thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế đã giảm được 420 giờ, hiện còn 121,1 giờ và giảm được 8 lần khai thuế giá trị gia tăng và 4 lần khai thuế thu nhập DN tạm tính.
Về lĩnh vực bảo hiểm, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết: Trong năm 2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy nhanh tốc độ cải cách thủ tục hành chính đối với các khoản bảo hiểm bắt buộc.
Kết quả, năm 2015 dự kiến giảm 154 giờ, từ 235 giờ xuống còn 81 giờ. Sang năm 2016, khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2016, BHXH Việt Nam sẽ hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao, giảm 290 giờ (từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ/năm).
Vẫn còn nhiều dư địa cải cách
Bên cạnh những đánh giá cao về nỗ lực cải cách, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, hiện nay thuế suất và quản lý thuế cồng kềnh vẫn đang là trở ngại hàng đầu đối với DN, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Dưới góc độ cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần xây dựng hệ thống chính sách pháp luật thuế ổn định, có tính dự báo cao. Các biểu mẫu cần đơn giản, dễ hiểu và bỏ bớt các chỉ tiêu không cần thiết. Cần có sự thống nhất giữa ngành thuế và các ngành khác trong thanh kiểm tra DN liên quan đến lĩnh vực thuế.
Đặc biệt việc thanh toán tiền hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN cần được tiến hành nhanh chóng để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho DN hoạt động…
Đại diện ngành thuế, ông Nguyễn Đại Trí thẳng thắn đánh giá, dù cải cách của cơ quan Thuế Việt Nam đang đi đúng hướng theo thông lệ quốc tế nhưng tiến trình cải cách còn nhiều thách thức. Dù đã giảm được nhiều thời gian nhưng số giờ tuân thủ thuế của Việt Nam vẫn ở mức cao.
Ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam chỉ ra thực tế, nhiều nội dung về thanh tra thuế hiện nay bị kêu ca nhiều về sự chồng chéo. Việc thanh tra thuế theo ông không chỉ được thực hiện bởi ngành thuế mà còn bởi Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chuyên ngành khác. Các cơ quan không sử dụng kết quả của nhau khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian để thực hiện từng yêu cầu của mỗi nơi.
Còn bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Nhiều kế hoạch của phía cơ quan chức năng như ban hành chế độ rủi ro đối tượng thanh kiểm tra về thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn thuế, đảm bảo ít nhất 90% hồ sơ hoàn thuế và giải quyết hồ sơ khiếu nại đúng hạn vẫn chưa đạt được.
Bà Thảo lưu ý, khi Việt Nam cải cách thì các nước khác cũng đang nỗ lực giảm thời gian nộp thuế, cải thiện môi trường kinh doanh. Bởi vậy, việc phấn đấu ngang bằng những nước ASEAN4 của Việt Nam cần quán triệt, tập trung hơn để không bị tụt lại.
Trước những thách thức mới, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Trưởng Ban cải cách - Tổng cục Thuế cho rằng sắp tới ngành thuế sẽ tập trung xây dựng quy định và cơ sở dữ liệu để áp dụng cơ chế quản lý rủi ro đối với tất cả các khâu trong quản lý thuế.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ về thuế, công khai thông tin về chính sách, thủ tục hành chính thuế; nghiên cứu để xây dựng bộ phận hỗ trợ, tiếp nhận thông tin phản hồi của người nộp thuế tập trung tại Tổng cục Thuế để hướng dẫn cho người nộp thuế về các dịch vụ khai/nộp thuế điện tử; thực hiện chế độ trách nhiệm công vụ và cơ chế kiểm tra giám sát đối với công chức trong công tác quản lý thuế và phục vụ người dân, DN.
Còn ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng cần tăng cường đối thoại các tổ chức cá nhân chịu sự tác động của các quy định để điều chỉnh kịp thời, tạo thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính. Đồng thời, một số bộ như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tài chính cần sớm hoàn thiện sửa đổi các văn bản hướng dẫn Luật BHXH. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần thực hiện liên thông dữ liệu về doanh nghiệp để cơ quan BHXH có cơ sở quản lý tốt đối tượng tham gia, thực hiện cải cách thủ tục hành chính với doanh nghiệp…
Theo Chinhphu.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán Ất Tỵ
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước