Các sự kiện quan trọng về ASXH ở Châu Á - Thái Bình Dương

21/12/2015 03:31 AM


Châu Á - Thái Bình Dương, ngôi nhà của hơn nửa dân số thế giới và là khu vực phát triển kinh tế, xã hội và nhân khẩu học đa dạng. Được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đầu những năm 2000, năng lực quốc gia về tài chính, thiết kế và cung cấp bảo trợ xã hội (BTXH) cho người dân ngày càng tăng. Tuy nhiên, cùng với nó là các vấn đề về già hóa dân số, các dòng di cư lớn hơn, sự chuyển đổi về dịch bệnh, bất bình đẳng thu nhập, sự nổi lên của tầng lớp trung lưu mới, một lượng lớn việc làm vẫn nằm trong nền kinh tế phi chính thức, những tác động đa dạng và phức tạp của thảm họa thiên tai và biến đổi khí hậu… là những thách thức phức tạp hiện tại đối với các nhà hoạch định chính sách và quản trị trong việc thiết kế và cung cấp hiệu quả các chương trình ASXH.

Phần lớn dân số trong khu vực thuộc hai quốc gia đông dân nhất trên thế giới (Trung Quốc với 1,4 tỷ người và Ấn Độ với 1,25 tỷ người), và là quê hương của khoảng 60% dân số toàn cầu, trong đó dân số thành thị chiếm gần 53,6%.

Dân số cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) đã tăng gần gấp đôi (từ 173 triệu lên hơn 330 triệu) từ năm 1990 đến năm 2014, và dự kiến lại ​​sẽ tăng gấp đôi vào năm 2045. Tỷ lệ phụ thuộc tuổi già đối với vùng Đông và Đông Bắc Á hiện nay là gần 11 người cao tuổi /100 người trong độ tuổi lao động, cao gấp đôi so với Nam và Tây Nam Á.

Tỷ lệ thất nghiệp 4,6% trong năm 2013, là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất so với bất kỳ khu vực nào, so với con số cao nhất 10,7% ở Châu Âu. Tuy nhiên, thanh niên thất nghiệp trong khu vực có xu hướng tăng với mức 11,3% năm 2013.

Các hình thức “tự tạo việc làm” dễ bị tổn thương chiếm trên 54% tổng số việc làm. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động trong nền kinh tế phi chính thức vẫn không đổi mặc dù tăng trưởng kinh tế đáng kể.

Tỷ lệ người cực nghèo cùng được dự báo sẽ giảm từ 12,7% trong năm 2015 xuống khoảng 5,8% và 2,5% vào năm 2020 và 2025.

Ở châu Á - Thái Bình Dương, 47% người cao tuổi được nhận trợ cấp, so với 16,9% ở tiểu vùng Sahara châu Phi, 36,7% ở Bắc Phi, 56,1% ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, và hơn 90% ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Tỷ lệ tham gia chương trình bảo trợ thất  nghiệp  (cả đóng phí và không đóng phí) là 5%  ở Châu Á - Thái Bình Dương, so với 3 % ở Châu Phi, 5% ở Mỹ Latinh, 64% ở Tây Âu và trung bình toàn cầu là 12%.

Các chương trình bảo hiểm thương tật lao động bắt buộc đang bảo hiểm 30%  tổng số lực lượng lao động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, so với 20% ở Châu Phi, trên 50% ở Châu Mỹ La Tinh, và từ 70% đến 80% ở Châu Âu và Bắc Mỹ.

Chính phủ các nước Châu Á - Thái Bình Dương dành trung bình 0,2% GDP để chi trợ cấp cho trẻ em và gia đình, tỷ lệ này tương tự các nước Châu Phi, trong khi đó ở Tây Âu là 2,2% và mức trung bình toàn cầu là 0,4%.

Tỷ lệ bao phủ BHYT ở Châu Á - Thái Bình Dương là 58%, so với 24,7 % ở Châu Phi, hơn 90%  ở Tây Âu và Bắc Mỹ và trung bình toàn cầu là 52%. Chi BTXH công (không gồm chi cho y tế) cho người dân ở độ tuổi lao động ở các quốc gia trong khu vực chiếm 1,5% GDP, so với 0,5% ở Châu Phi, 5,1% ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, 5,9% ở Tây Âu và trung bình toàn cầu là 2,3%.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn