Tăng cường công tác phối hợp thực hiện BHYT toàn dân

26/07/2016 07:50 AM


Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị giao ban Quý II/2016 giữa Bộ Y tế và BHXH, tổ chức chiều ngày 27/5, tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Y tế có Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn và đại diện một số Cục, Vụ, Viện; về phía BHXH Việt Nam có các Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thảo, Phạm Lương Sơn và đại diện lãnh đạo một số đơn vị.

GB-BYT 260716 01.jpg
Quang cảnh Hội nghị


Năm 2016 là năm thứ hai triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi bổ sung, với nhiều quy định mới, quan trọng có hiệu lực thi hành, tác động mạnh mẽ tới việc thực hiện chính sách BHYT như: thông tuyến khám, chữa bệnh (KCB) tại các bệnh viện huyện trên phạm vi cả nước; thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB thống nhất trên toàn quốc từ 01/3/2016; kết nối liên thông dữ liệu KCB BHYT..

Theo báo cáo của Bộ Y tế do Vụ trưởng Vụ BHYT Tống Thị Song Hương trình bày, trong 06 tháng đầu năm, Bộ Y tế đã tập trung thực hiện toàn diện chính sách BHYT. Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 – 2020; Ban hành 04 văn bản liên quan đến thực hiện chính sách BHYT.

Về triển khai ứng dụng CNTT trong KCB BHYT, Bộ Y tế đã ban hành dữ liệu chuẩn đầu ra của phần mềm quản lý KCB; ban hành Bộ danh mục dùng chung; kết nối dữ liệu các cơ sở KCB; Khai trương Cổng tiếp nhận dữ liệu KCB BHYT vào ngày 29/6; Xây dựng, thiết kế hệ thống tổng thể khám chữa bệnh BHYT và nghiên cứu, xây dựng phương án tính toán giá thuê dịch vụ CNTT trong cơ cấu giá DVYT.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, do Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc trình bày, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan để tham gia xây dựng văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến chính sách BHYT.

Tính đến ngày 30/6/2016, số đối tượng tham gia BHYT là 72,81 triệu người, tăng khoảng 2,8 triệu người (tương đương với 4,1%) so với năm 2015, đạt tỷ lệ 100,9% so với kế hoạch giao và tỷ lệ bao phủ BHYT là 79,0%, trong đó: 13 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số, các tỉnh có tỷ lệ cao như: Lào Cai (98,5%), Điện Biên (97,8%), Thái Nguyên (97,4%), Hà Giang (97,3%)... 16 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 79% đến dưới 90% dân số.

Trong 6 tháng đầu năm 2016 có 2.094 cơ sở y tế ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT, tăng 5 cơ sở so với năm 2015 (gồm: 1.676 đơn vị công lập; 418 đơn vị ngoài công lập), trong đó: 70 bệnh viện tuyến Trung ương; 572 cơ sở y tế tuyến tỉnh; 1.195 cơ sở tuyến huyện; 257 cơ sở y tế cơ quan tương đương tuyến xã. Thông qua ký hợp đồng với cơ sở y tế tuyến huyện, tổ chức khám chữa bệnh tại 9.887 trạm y tế xã. Trong đó có 1.728 cơ sở khám, chữa bệnh đa khoa; 55 cơ sở chuyên khoa YHCT; 311 cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa khác.

Việc ký kết và thực hiện hợp đồng KCB cơ bản được thực hiện đúng quy định. Trong năm 2015, có 1,7% số người đăng ký tại bệnh viện tuyến trung ương, 20,7% đăng ký tại bệnh viện tuyến tỉnh, 35,1% tại tuyến huyện và 42,5% tại tuyến xã. Năm 2016, số người đăng ký KCB ban đầu tại tuyến huyện tăng 6,4% chủ yếu do điều chỉnh lại tuyến của các bệnh viện huyện hạng II.

Tổng lượt KCB: 67,800,000 lượt, tăng 116% so với cùng kỳ năm 2015 (Ngoại trú: 61,687,800 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015; Nội trú: 6,112,200 lượt, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015).

Tổng chi KCB: 28.572 tỷ đồng tăng 36% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó tăng do điều chỉnh giá DVYT  là khoảng 2.374 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đều thống nhất vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật BHYT.

Bà Tống Thị Song Hương cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHYT, vẫn còn vướng mắc trong thực hiện điều chỉnh giá DVYT, thanh toán thuốc, vật tư y tế, ứng dụng CNTT trong KCB BHYT; phát triển mô hình bác sỹ gia đình; chuyển tuyến KCB đối với một số đối tượng; phát triển dược liệu YHCT;...

Cụ thể, thanh toán tiền giường tại các bệnh viện y học cổ truyền do Thông tư 37 quy định mức giá ngày, giường theo từng khoa, không quy định giá ngày giường cho bệnh viện chuyên khoa; Thanh toán điều trị một số bệnh ngoài da nhiều thương tổn bằng Laser CO2, Plasma, đốt điện, nitơ lỏng; Trường hợp người bệnh vào cấp cứu, sau đó chuyển viện hoặc gia đình xin về do bệnh nặng hoặc tử vong, nằm viện dưới 4 giờ; Thanh toán tiền khám bệnh, tiền ngày giường tại phòng khám đa khoa khu vực; Thanh toán DVKT do các công ty trúng thầu hóa chất, vật tư y tế cho mượn máy;…

Về thanh toán thuốc, vật tư y tế vẫn còn vướng mắc trong thanh toán đối với thuốc có giá trúng thầu cao hơn giá công bố trên Trang thông tin điện tử của Cục quản lý Dược; Sử dụng giá trúng thầu trung bình để hướng dẫn việc xây dựng giá kế hoạch đấu thầu, thanh toán BHYT; 29 tỉnh chậm đấu thầu theo Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC;…

Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc cũng cho biết, trong công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHYT, tỷ lệ tham gia của một số nhóm đối tượng còn thấp; Một số địa phương chậm phê duyệt, lập danh sách tham gia BHYT đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; Tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ sử dụng lao động vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương: Tính đến 30/6/2016, số nợ BHYT là 2.966.447 triệu đồng, trong đó Ngân sách Nhà nước nợ là 1.477.989 triệu đồng, chiếm 49,8% tổng số nợ.

Đối với công tác đấu thầu, thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho người bệnh BHYT: Nhiều địa phương chưa chủ động thực hiện đấu thầu rộng rãi theo đúng tiến độ. Nhiều địa phương phải áp dụng nhiều hình thức mua sắm khác (chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp,…) để đảm bảo đủ thuốc sử dụng. Việc xây dựng kế hoạch mua sắm thuốc tại một số địa phương chưa hợp lý, tình trạng trúng thầu thuốc có hàm lượng, dạng bào chế ít cạnh tranh với số lượng lớn vẫn xảy ra.

GB-BYT 260716 02.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị


Trong công tác kết nối liên thông dữ liệu KCB giữa cơ sở KCB, một số địa phương chưa phê duyệt danh mục dịch vụ kỹ thuật theo quy định, các dịch vụ được Bộ Y tế phê duyệt riêng cho các bệnh viện trực thuộc ngoài Thông tư 43 nên các đơn vị chưa thể mã hóa; Danh mục thuốc chưa đầy đủ; Danh mục vật tư y tế mã theo nhóm, không xác định được từng loại vật tư cụ thể; Bảng kê chi phí khám chữa bệnh BHYT chưa được sửa đổi phù hợp với quy định mới khi áp dụng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ, tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB BHYT.

BHXH Việt Nam sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố cân đối ngân sách, thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng cho đối tượng cận nghèo tham gia BHYT; tích cực triển khai Quyết định 1176/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu bao phủ BHYT…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hai ngành cần phải tăng cường công tác phối hợp,thảo luận kỹ từng vấn đề, nhất là giải pháp tăng độ bao phủ BHYT và nâng cao chất lượng KCB nhằm thực hiện BHYT toàn dân. Về phát triển đối tượng học sinh sinh viên tham gia BHYT, cần có giải pháp, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

Bộ trưởng Bộ Y tế thống nhất với BHXH Việt Nam các quy định liên quan đến thanh toán tiền giường trong trường hợp nội trú, ngoại trú, cấp cứu; công khai minh bạch giá dịch vụ kỹ thuật; các khó khăn trong việc phát triển đối tượng BHYT; thông tuyến KCB BHYT; Việc ứng dụng CNTT trong KCB BHYT, trong năm 2016, cơ sở y tế nào chưa kết nối sẽ không thanh toán chi phí KCB BHYT.

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị có liên quan trong Bộ như Cục quản lý KCB, Vụ BHYT, Cục Dược tích cực phối hợp với BHXH Việt Nam trong việc phát triển y học cổ truyền, xây dựng quy chế về chuyển tuyến KCB BHYT; tăng cường danh mục thuốc tại trạm y tế phục vụ điều trị bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, chuẩn bị xây dựng Thông tư đấu thầu thiết bị y tế xã hội hóa;…

Nguồn website BHXH VN