Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng lên 400.000 đồng/tháng

21/07/2016 03:03 AM


Ảnh minh họa (Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam) Ngày 13/07, tại Diễn đàn đối thoại chính sách Bảo hiểm xã hội mới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 từ 250.000 đến 400.000 đồng/tháng.


Tin tức trên báo Trí thức trẻ, trao đổi với phóng viên tại Diễn đàn đối thoại chính sách Bảo hiểm xã hội mới do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 từ 250.000 đến 400.000 đồng/tháng (khoảng 10-11%).Theo tin tức trên báo Dân trí, trao đổi với báo giới về lộ trình đàm phán tăng lương tối thiểu năm 2017, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết: “Mức tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ thấp hơn năm 2016. Khả năng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị tăng ở mức thấp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chắc sẽ phải điều chỉnh đề xuất mức tăng thấp hơn so với năm 2016. Như vậy, khoảng cách đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2017 giữa 2 bên (VCCI và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) sẽ gần hơn so với năm 2016”. Thứ trưởng Phạm Minh Huân kiêm Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia hy vọng việc đàm phán tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 sẽ được kết thúc trong 01 Phiên cuối tháng 07.Về những cân nhắc cho việc tăng lương tối thiểu năm 2017, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh: “Năm nay, Hội đồng sẽ phải cân đối kỹ hơn, cụ thể: Chúng tôi sẽ phân tích trong tương quan giữa nhóm lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động với cả khối 50 triệu lao động đang tồn tại trên thị trường lao động, quan hệ giữa tiền công của khu vực không có quan hệ lao động và tiền lương của khu vực có quan hệ lao động ra sao? Sự cân đối giữa tiền lương của khu vực doanh nghiệp và khu vực cơ quan nhà nước?”. Việc tăng lương sẽ được xác định dựa trên các yếu tố như nhu cầu sống tối thiểu, điều kiện kinh tế - xã hội, mặt bằng tiền công trên thị trường…Báo Dân Việt dẫn số liệu tính toán năm 2015 của Hội đồng tiền lương quốc gia thông tin, lương tối thiểu còn cách khoảng 15-20% so với mức sống tối thiểu. Do vậy, nếu muốn đạt được lộ trình tới năm 2018, mức lương tối thiểu vùng đáp ứng được mức sống tối thiểu cho công nhân lao động, bắt buộc phải duy trì mức tăng lương không dưới 10%.Theo báo này, còn gần nửa tháng nữa, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ phải chốt tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, hiện tại một số chuyên gia cũng đưa ra những dự báo về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Phần lớn các chuyên gia độc lập đưa ra nhận định giống với nhận định của Thứ trưởng Phạm Minh Huân, mức tăng lương tối thiểu năm 2017 khả năng sẽ không cao bằng năm 2016 (năm 2016 là 12,4%), nhưng chắc chắn sẽ không dưới 10-11%.Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định rằng mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 chắc chắn sẽ không cao. Theo đồng chí Bùi Sỹ Lợi, để tìm ra căn cứ chung, có lẽ các bên nên quay trở lại tiêu chí tiền lương. Tiền lương là chi phí để chủ doanh nghiệp trả cho người lao động căn cứ vào số lượng và chất lượng công việc đảm nhiệm. Tiền lương tăng phải căn cứ vào tốc độ tăng năng suất lao động, do đó bao giờ tốc độ tăng tiền lương cũng chậm hơn tăng năng suất lao động.Lương tối thiểu vùng năm 2016 theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 quy định mức tăng như sau: Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015), Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với năm 2015), Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với năm 2015), Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với năm 2015).


Nguồn Tạp chí BHXH