Bộ Y tế triển khai nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình

21/07/2016 02:47 AM


Sau 3 năm thực hiện thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố, Bộ Y tế có kế hoạch nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ra toàn quốc, bảo đảm đến năm 2020 có ít nhất 80% số tỉnh, thành phố triển khai mô hình này.

BSGD 180716.JPG
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020, sáng 15/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Năm 1960, y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh và một số nước, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu. Ở nhiều nước 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân do bác sĩ gia đình đảm nhận.

Tại Việt Nam, từ năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Hoạt động bác sĩ gia đình đã bước đầu được tổ chức tại một số thành phố nhưng còn nhỏ, lẻ, chưa đầy đủ nguyên lý của y học gia đình.

Tính đến tháng 6/2016, đã có 336 phòng khám bác sĩ gia đình được thành lập tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương so với chỉ tiêu đề ra ban đầu là 80 phòng khám. Trong đó có 234 phòng khám bác sĩ gia đình công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%), đã thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) do các cơ sở khám chữa bệnh này đang được tham gia cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT.

Các phòng khám bác sĩ gia đình đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám bác sĩ gia đình theo mô hình của Bộ Y tế quy định: Thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân và gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám bác sĩ gia đình, người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình.

Một số phòng khám bác sĩ gia đình có hoạt động rất tốt: Phòng khám đa khoa tư nhân Thành Công, phòng khám bác sĩ gia đình tại Bệnh viện Quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến.

Với mô hình bệnh tật ở Việt Nam là mô hình bệnh tật kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng; việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách.

Kết quả hoạt động của các phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Đây là cơ sở để ngành y tế triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh.

Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là kiện toàn, thành lập các mô hình phòng khám bác sĩ gia đình: Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa nhà nước.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế, các địa phương, các chuyên gia y tế cộng đồng đã tiến hành thảo luận những vấn đề về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, cơ chế hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình...

Theo VGP