Tiếp xúc cử tri chuyên đề góp ý Dự án Luật Bảo hiểm xã hội
05/05/2024 07:51 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 4/5, tiếp tục chương trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; để kịp thời lắng nghe, thu thập ý kiến về các dự án luật sát với tình hình thực tế của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng của các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề góp ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại cơ quan BHXH tỉnh.
Hội nghị dưới sự chủ trì điều hành của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo, cùng dự có ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh, đại diện HĐND, các thành viên Tổ tư vấn chính sách pháp luật, các sở, ngành, đơn vị liên quan. Tham dự phía BHXH có lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức đại diện các phòng, ban của BHXH.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo nhấn mạnh: Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là dự án Luật khó, có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao, phải bảo đảm đồng thời tối ưu quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng - hưởng và an toàn, cân đối, tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn. Hội nghị lần này, rất mong các ý kiến góp ý của các đại biểu về một số nội dung lớn trong Luật nhằm điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh dự thảo Luật.
Các đại biểu tham dự đã quan tâm góp ý tâm huyết, trách nhiệm về nhiều lĩnh vực quan trọng như: Về vấn đề hưởng BHXH một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 74 và điểm đ khoản 1 Điều 107; Về tổ chức thực hiện BHXH trên môi trường giao dịch điện tử; Về chậm đóng BHXH bắt buộc, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý; Về Bảo hiểm hưu trí bổ sung; Về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Về phê duyệt quyết toán BHXH; Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHXH của cơ quan hành chính nhà nước...
Liên quan các trường hợp giải quyết hưởng BHXH một lần tương tự quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành như: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, lao nặng, AIDS, Dự thảo đang dự kiến: (i) Bỏ cụm từ “nguy hiểm đến tính mạng”; (ii) Bỏ bệnh phong; (iii) Thay cụm từ “nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS” bằng từ “AIDS”; (iv) Bỏ cụm từ “những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế”; (v) Bổ sung thêm trường hợp người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và người lao động khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng BHXH một lần ngay khi có yêu cầu…, đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần, dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội hai Phương án. Nhiều đại biểu tham dự đã bày tỏ quan điểm đồng ý với quan điểm của phương án 1: Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện. Và với nhóm 2: Người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.
Có đại biểu kiến nghị nên có chính sách hỗ trợ thêm cho đối tượng người nghèo tham gia bảo hiểm tự nguyện; nên vận động để người dân hiểu về ý nghĩa, giá trị khi tham gia bảo hiểm tự nguyện, không cần đợi khi phát bệnh mới tham gia bảo hiểm; về trợ cấp mai táng phí kiến nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn để xác nhận chủ thể đứng ra lo mai táng, trong trường hợp không phải thân nhân.
Có đại biểu cho rằng dự thảo Luật đôi chỗ vẫn còn sơ sài, thiếu chặt chẽ, chưa khoa học. Cần hỗ trợ thêm cho đối tượng hưởng trợ cấp BHXH là hưu trí. Với đối tượng thất nghiệp cần có chính sách tạo điều kiện giải quyết việc làm, vay vốn khi đã thực hiện trợ cấp 1 lần. Về an sinh xã hội, đề nghị Luật hướng đến cần đảm bảo sự bền vững.
Thực tế nhiều nội dung về BHXH còn vướng mắc, chưa sát thực tế, chờ Luật sửa đổi; quy định cơ quan BHXH là cơ quan nhà nước, sổ BHXH là tài sản của người lao động, để giải quyết; đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội có thể tạo điều kiện cho người lao động vay vốn khi gặp khó khăn nếu có đóng BHXH, tránh việc ồ ạt rút bảo hiểm 1 lần rất lãng phí cho người lao động; giải quyết khiếu nại liên quan đến các quyết định hành chính nên duy trì theo quy định của Luật năm 2014; về các hành vi nghiêm cấm nên bỏ phần 4 về “sử dụng quỹ BHXH không đúng quy định của pháp luật” vì điều này là đương nhiên rồi, không cần phải cấm; bổ sung, xem xét đưa hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động vào Luật để đảm bảo kỹ về chế tài, để bảo vệ người lao động; gộp điều 37 và 39 làm một điều để đảm bảo logic…
Các ý kiến góp ý xác đáng của các đại biểu trên cơ sở có nghiên cứu kỹ dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, tổng hợp, báo cáo đề xuất, góp ý tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT