''Đánh thức'' khung cửi
07/11/2023 07:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong mỗi nếp nhà ở xã Đưng K’nớ (huyện Lạc Dương), tiếng lách cách từ những con thoi vẫn ngày ngày hiện hữu như một âm thanh quen thuộc của các bà, các mẹ nơi vùng sâu, vùng xa trong những ngày nhàn rỗi.
Với đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho, khi đàn ông biết cầm dao đi rừng cũng là lúc đàn bà biết cầm dụng cụ để dệt vải. Bởi quan điểm của người xưa, trong lễ cưới của những cô gái ấy đều phải khoác lên mình bộ y phục do chính tay họ dệt nên. Đó không chỉ thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của người con gái K’Ho, mà còn là sự gắn kết, gìn giữ những giá trị tốt đẹp qua nhiều thế hệ.
Và với những người phụ nữ ở xã vùng sâu, vùng xa Đưng K’nớ, ngoài việc ngày ngày lên nương làm rẫy, chăm sóc, hái cà phê; thời gian nhàn rỗi, họ lại miệt mài bên từng tấm vải. Nơi đây, những đôi bàn tay ấy không chỉ biết lo toan việc nhà mà họ đang cùng nhau âm thầm “đánh thức” khung cửi cho thế hệ hôm nay và cả mai sau.
Dưới cơn mưa chiều cuối tháng 10, bên khung cửi gỗ, đôi bàn tay “chuyên nghiệp” của chị K’Nuôi thoăn thoắt luồn qua những con thoi với từng đường dệt giản đơn nhưng không kém phần cầu kỳ, đầy sắc sảo. Gần 40 năm kể từ khi tập tành và biết dệt, giờ đây, chị K’Nuôi được mọi người trong thôn Đưng K’nớ 1 biết đến là một trong những người “sành” dệt thổ cẩm. Chị K’Nuôi bảo rằng: Để dệt được một tấm thổ cẩm đẹp, một chiếc khăn, hay bộ trang phục của người con gái K’Ho cần phải có đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Những ngày đầu dệt, chị làm sai và hỏng họa tiết rất nhiều, vì thế để làm được một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh cần phải có thời gian. Quen dần, chị bắt đầu tự sáng tạo họa tiết khác nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của người K’Ho.
“Ngày trước, thổ cẩm chưa được người dân ưa chuộng nên phần lớn tôi chỉ dệt để phục vụ nhu cầu thiết yếu. Còn về sau này những sản phẩm làm ra được thương lái tới mua hoặc đặt mua từ trước. So với trước, giờ đây dệt thổ cẩm đã được quan tâm hơn” - chị K’Nuôi nói. Cũng giống như chị K’Nuôi, chị K’Ang dành riêng một góc nhà nhỏ để lưu giữ nghề truyền thống của bà và mẹ để lại. Ngồi bên khung cửi gỗ, chị K’Ang tâm tình: “Nhà của tôi có 3 chị em và cả ba đứa đều được mẹ dạy cho cách dệt từ nhỏ. Mặc dù nhiều lúc bận việc nhà, việc nương rẫy, nhưng nếu nhàn rỗi, tôi vẫn qua nhà hàng xóm để học hỏi với mong muốn mình được biết thêm cách dệt họa tiết. Bởi, bản thân tôi vẫn luôn suy nghĩ về một điều xa xôi rằng khi các bà, các mẹ, các dì không còn đủ sức để tiếp tục nghề dệt, thì chúng tôi - thế hệ trẻ phải là người duy trì và tiếp nối nghề truyền thống ấy”.
Theo chị K’Ang: Trông mỗi tấm vải được dệt thành phẩm thì rất dễ nhưng bắt tay vào làm mới thấy mức độ khó của nó. Bởi mất nhiều thời gian và công sức mới cho ra một tác phẩm đẹp, có ý nghĩa về hoa văn và chuẩn phong tục của người K’Ho. Cứ một tấm vải thì mất 3 - 4 ngày nếu dệt liên tục, còn không thì phải mất cả tuần lễ. Dệt vải cũng yêu cầu người phụ nữ phải tỉ mỉ, khéo léo. Mỗi họa tiết sẽ có công thức riêng, có ý nghĩa riêng, người dệt cần đếm số lượng sợi chỉ cho phù hợp, sau đó phối màu và dệt cho ra sản phẩm.
Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’nớ Liêng Hot Ha Mal: “Hầu hết phụ nữ trong toàn xã đều biết dệt thổ cẩm và nhiều năm qua, đó cũng là một trong những nghề giúp bà con có thêm thu nhập. Thổ cẩm đang dần được “hồi sinh” bởi những đôi bàn tay đầy trân quý và được bà con địa phương xem như một nét văn hóa lâu đời mà con cháu về sau cần phải tiếp nối.
Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’nớ thì, trước những đổi thay của đời sống và nền kinh tế thị trường, nghề dệt thổ cẩm cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng và nguy cơ mai một, thất truyền. Nhìn nhận vào thực tế, giới trẻ hiện nay đang dần lãng quên đi nghề truyền thống của người xưa để lại. Để phát huy và lưu giữ nghề truyền thống, bà con trong vùng tranh thủ thời gian rảnh sẽ ngồi lại cùng nhau và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ con cháu với tâm nguyện sẽ có người tiếp nối và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình”.
“Để gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho, thời gian qua, xã đã tạo mọi điều kiện để mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con có nhu cầu cần học, đặc biệt là hướng dẫn và lan tỏa tinh thần học tập đến với thế hệ trẻ xã Đưng K’nớ. Bên cạnh nghề dệt thổ cẩm, trong mỗi nếp nhà của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở Đưng K’nớ vẫn nấu rượu cần hay đan lát với mong muốn lưu giữ và truyền dạy cho con cháu về sau” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’nớ thông tin.
Từng có một thời gian dài, thổ cẩm rơi vào quên lãng bởi thế hệ trẻ chẳng còn mặn mà với nghề dệt của các bà, các mẹ để lại. Nhưng có lẽ đó là câu chuyện của ngày hôm qua bởi hôm nay đây, qua từng đường dệt từ đôi bàn tay khéo léo, cẩn thận, những cô gái K’Ho đã và đang lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân bản địa.
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...