Chắp cánh cho những ý tưởng khởi nghiệp xanh

01/11/2023 08:46 AM


Không chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà còn vì lợi ích cộng đồng, vì sức khỏe người tiêu dùng, trách nhiệm với môi trường sống. Các ý tưởng tham dự chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm nay của nhiều bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường đã chứng tỏ tinh thần khởi nghiệp vươn lên lập thân, lập nghiệp. Trong mỗi ý tưởng, mỗi sản phẩm còn chất chứa cả tình yêu với quê hương, xứ sở mà các em đang sống.

 

Trong từng dự án, ý tưởng đều hiện lên những câu hỏi đau đáu mà các tác giả trẻ tuổi tự đặt ra, tự giải quyết: Sản phẩm, cách làm này có tốt cho người sử dụng, cho cộng đồng không, có tốt hay có hại cho môi trường sống...

Với ý tưởng “ECROCHET - Tận dụng và biến bao bì nilon đã qua sử dụng thành các sản phẩm thân thiện với môi trường”, nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long đã dùng nghề thủ công đan móc cùng đôi bàn tay khéo léo của các thiếu nữ Đà Lạt “hô biến” bao bì nilon đã qua sử dụng thành những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ, thân thiện với môi trường, mang tính bản địa và đậm dấu ấn cá nhân. Những sản phẩm như: vỏ áo (plastic coat) cho các chậu sen đá, sọt đựng rác để ở bàn làm việc, sọt đựng đồ giặt, đồ trang trí, vỏ bọc... được móc tạo hình, tác tạo tinh tế, đẹp mắt từ chất liệu nilon phế liệu sử dụng 1 lần được tận dụng như khoác trên mình cuộc sống mới trở nên lâu bền. Qua đó, sản phẩm đặt ra 3 mục tiêu chính: Khắc phục thực trạng quá tải rác thải nhựa; góp phần phục hồi và phát triển ngành nghề đan móc - ngành nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của Đà Lạt đang có dấu hiệu mai một; tạo việc làm cho nhóm đối tượng yếu thế (phụ nữ, người khuyết tật, người lớn tuổi...). Mỗi sản phẩm của Ecrochet được bán ra, một chu kỳ sống mới được ở lại.

Lớn lên giữa bạt ngàn đồi cà phê chín đỏ, tuổi thơ của các bạn Nguyễn Phú Cường, Nguyễn Khiêm Nhường, Nguyễn Văn Hoài Nam (thôn An Bình, Lộc An, Bảo Lâm) từng tận hưởng vị ngọt của những trái cà phê đỏ mọng - thứ vị ngọt trái cây mà người ta bỏ đi và chỉ lấy hạt. Ý tưởng khởi nghiệp “Làm socola, bánh quy từ bột vỏ và thịt quả cà phê hữu cơ. Nước giải khát lên men từ vỏ cà phê chín mọng” được nhen lên từ dư vị ngọt ngào ấy. Trong đó, các bạn đã gắn ý tưởng đó với dự án “Bảo Lộc Coffee House” - Sản xuất và chế biến các sản phẩm từ thịt vỏ và mật quả cà phê tươi kết hợp du lịch canh nông. Trong đó, bột vỏ và thịt quả cà phê (Bột cascara) chế biến thành 4 sản phẩm: Socola vỏ cà phê (Socola Cascara), Kẹo dẻo mật quả cà phê tươi (Kẹo Cascara); Bánh quy vỏ cà phê (Bánh quy Cascara); Nước lên men từ vỏ cà phê (Kombucha Cascara) gắn với việc xây dựng một nông trại bền vững trồng bạt ngàn cà phê, hình thành tour tham quan du lịch vùng nguyên liệu sản xuất ra các các sản phẩm trên.

Cây lá bép là cây rau rừng có hàm lượng dinh dưỡng cao và có tác dụng nhưng một loại thuốc quý đã được nhân giống trồng thành vườn. Lớn lên ở miền rừng, nhóm học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đức Trọng) từng được ăn những bữa canh lá bép ngọt mát. Để khai thác cây đặc sản của địa phương, ý tưởng khởi nghiệp “Sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm từ cây lá bép (Gnetum gnemon L) đã được ấp ủ. Từ đó phát triển một số sản phẩm bao gồm rau bép, bột lá, trà túi lọc, bánh ống, bánh bông lan, nui, mì,... với 40-100% thành phần lá bép với mong muốn đem đến giá trị lớn cho khách hàng và cộng đồng. Từ đó, góp phần nhân giống trồng, bảo tồn một nguồn gen cây rừng quý, phát triển nó thành một loại rau thương phẩm mang lại giá trị kinh tế cao đồng thời tận dụng thành phần dinh dưỡng và dược liệu của cây để sản xuất ra những sản phẩm sạch, an toàn, bổ dưỡng, tiện ích hơn trong cuộc sống hiện đại.

Cũng ở độ tuổi còn là học sinh, nhóm bạn đến từ Trường THPT Đức Trọng lại đưa đến cuộc thi ý tưởng “Dầu gội dưỡng tóc từ cây ngải xanh”. Trong dân gian, ngải xanh từng chỉ được dùng như một bài thuốc bồi bổ cơ thể; ý tưởng khởi nghiệp khai phá một khía cạnh còn khuất của loài dược liệu dân gian này. Dầu gội dưỡng tóc từ cây ngải xanh là dầu gội dược liệu làm sạch dịu nhẹ với công dụng hỗ trợ trị nấm, viêm nhiễm da đầu mà không gây khô xơ. Dựa trên bài thuốc gội đầu dân gian của thổ dân Hawaii, cùng các tài liệu nghiên cứu khoa học, sản phẩm đã đánh dấu lần đầu tiên cây ngải xanh được ứng dụng vào chăm sóc tóc tại Việt Nam.

Nhóm học sinh đến từ Trường THPT Di Linh lại tận dụng hạt mít vứt đầy vườn nhà để tạo ra “Sản phẩm bột hạt mít - Jakiepow” với mong muốn tạo sản phẩm bột có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe từ hạt mít. Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương - là phế phẩm cần được xử lí của các công ty, nhà máy sản xuất mít sấy, bột mít, góp phần bảo vệ môi trường. Là sản phẩm có thời gian bảo quản lâu dài, đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu. Bột hạt mít có mùi hương vô cùng đặc trưng, chủ yếu là hương thơm của nguyên liệu hạt mít. Có thể sử dụng bột hạt mít để chế biến sữa hạt, bánh quy, bánh mì thay cho các loại bột, ngũ cốc. 

Bà Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng nhận định: “Chất lượng của các ý tưởng tham dự cuộc thi năm nay rất tốt. Có nhiều dự án, ý tưởng không chỉ vì nhu cầu lợi ích cá nhân, mà tác giả đã nhìn xa hơn, sâu hơn vì lợi ích cộng đồng, vì phục vụ xã hội, vì sức khỏe con người, bảo vệ môi trường sống, hướng tới cuộc sống xanh. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, sáng tạo, gắn với tiềm năng thế mạnh nông nghiệp và nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, sản xuất ra sản phẩm, có giá trị thương mại hóa cao, đáp ứng nhu cầu của con người. 

Cuộc thi kết thúc, nhưng không khép lại mà mở ra một bước khởi đầu. Từ ý tưởng của các em, những ý kiến góp ý của hội đồng chuyên môn, các chuyên gia tư vấn, hướng dẫn khởi nghiệp sẽ là nền tảng để các em hoàn thiện ý tưởng, tạo ra định hướng sản xuất kinh doanh đúng. Cuộc thi cũng tạo cơ hội để các em tiếp cận với các nguồn quỹ hỗ trợ đầu tư, sớm đưa những ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực, đưa sản phẩm hữu ích đến người tiêu dùng”. 

Báo Lâm Đồng