VẬN ĐỘNG VIÊN BỊ LƠ BẢO HIỂM Y TẾ

14/11/2016 09:26 AM


Hợp đồng đào tạo có ghi vận động viên được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế nhưng đơn vị ký hợp đồng không thực hiện.

Vận động viên bị lơ bảo hiểm y tế

Ông Hiệp bức xúc, khiếu nại việc con trai không được hưởng bảo hiểm như hợp đồng đào tạo đã ghi.

Gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Trần Đại Hiệp, ngụ phường 14, quận Bình Thạnh (TP.HCM) trình bày đầu năm 2012, con ông là vận động viên (VĐV) Nguyễn Đại Huy (sinh năm 1997) có ký hợp đào tạo VĐV bóng đá năng khiếu tập trung lứa U-19 của TP.HCM với Trung tâm Thể dục Thể thao Thống Nhất (trung tâm). Hợp đồng được ký kết năm năm từ đầu năm 2012 đến cuối 2016 và ông là người giám hộ cho con ông. Dù trong hợp đồng đào tạo thể hiện con ông được trung tâm mua BHYT nhưng gia đình ông phải tự bỏ tiền ra mua và không được trung tâm chi trả khoản này. Ngày 25-12-2015, trong lúc tập luyện Huy bị chấn thương gối, đứt dây chằng chéo trước. Theo chẩn đoán của bác sĩ, Huy phải mổ gấp để tránh teo cơ. Tháng 3-2016, gia đình ông Hiệp phải chạy vay mượn tiền hơn 50 triệu đồng để phẫu thuật. Trong lúc Huy còn đang điều trị chấn thương thì ngày 1-7, ban giám đốc trung tâm thông báo kết thúc hợp đồng sớm đối với em và một số cầu thủ khác.

“Việc thông báo kết thúc hợp đồng sớm đối với con tôi trong lúc còn đang điều trị chấn thương khiến tôi rất bức xúc. Hơn nữa, trong hợp đồng thể hiện trung tâm phải đóng BHYT nhưng trung tâm không thực hiện” - ông Hiệp nói.

Ông Trần Đình Huấn, Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao Thống Nhất, giải thích việc thông báo chấm dứt hợp đồng đối với Nguyễn Đại Huy và các VĐV khác là vì các em hết tuổi đào tạo U-19. Vì thế, ban giám đốc đã mời phụ huynh của các em để thông báo chứ chưa có quyết định chính thức, với ý muốn cho các em tiếp tục theo học các lớp chuyên môn khác. Trung tâm cũng đã đồng ý cho Huy được hưởng chế độ đến tháng 3-2017 để em có điều kiện phục hồi chấn thương. Theo chủ trương, các em lứa U-19 nếu có chuyên môn tốt, có khả năng phát triển sẽ được trung tâm ký hợp đồng mới để dự tuyển cho thành phần các đội tuyển của TP.HCM. Về kinh phí chữa trị chấn thương của Huy, trung tâm đã đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM và đã chi trả số tiền hỗ trợ 100% chi phí điều trị. “Việc không đóng BHYT cho VĐV là chính sách chung nhưng khi ký hợp đồng với VĐV thì trung tâm đã lấy mẫu hợp đồng cũ nên chưa bỏ điều khoản có liên quan đến BHYT” - ông Huấn nói.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Thuyên, Trưởng phòng Tuyên truyền BHXH TP.HCM, người lao động hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động thuộc trường hợp bắt buộc bên sử dụng lao động mua BHYT. Hợp đồng đào tạo không phải là hợp đồng lao động nhưng nếu nội dung trong hợp đồng đào tạo có thể hiện VĐV được hưởng quyền lợi theo quy định nhà nước về BHYT thì trung tâm phải chi tiền cho VĐV tham gia BHYT. Cụ thể, nếu VĐV còn làm học sinh, sinh viên đang theo học ở trường thì sẽ tham gia BHYT ở trường, còn VĐV đã nghỉ học thì mua BHYT theo hộ gia đình. Chỉ khi trên hợp đồng không thể hiện nội dung VĐV được hưởng BHYT thì VĐV phải tự mua.

Nguồn: theo báo Pháp luật