Tài chính quỹ BHYT: Xác định mô hình dự báo tối ưu
11/11/2016 01:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng và hạn chế tối đa bội chi quỹ BHYT, BHXH Việt Nam và Cơ quan Phát triển Y tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) phối hợp thực hiện dự án “Mô hình dự báo tài chính quỹ BHYT”. Sau một năm triển khai thí điểm, dự án đã ghi nhận những tín hiệu khả quan.
Dự án Quản trị và Tài chính y tế với sự hỗ trợ của USAID (USAID/HFG) hiện đang hỗ trợ Bộ Y tế một số hoạt động nhằm mở rộng và cải thiện BHYT, để trở thành cơ chế tài chính bền vững và hiệu quả trong việc cung cấp tốt hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện, USAID đang hợp tác với BHXH Việt Nam trong các lĩnh vực: Cải thiện việc dự báo tài chính, phân tích và kiểm soát chi tiêu của quỹ BHYT; xây dựng định mức cho các dịch vụ y tế do BHYT chi trả; hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ BHXH Việt Nam ở các cấp.
Giai đoạn I, dự án USAID/HFG đã hợp tác với BHXH Việt Nam để thiết kế các bước cần thiết trong xây dựng mô hình dự báo tài chính quỹ BHYT và đã tổ chức hội thảo tham vấn để thu thập các câu hỏi chính sách phục vụ cho việc xây dựng đề cương kỹ thuật cho mô hình này. Giai đoạn II, dự án sẽ làm việc với BHXH Việt Nam để xây dựng, thống nhất và bàn giao mô hình cho BHXH Việt Nam. Các tỉnh được lựa chọn thí điểm có trách nhiệm nghiêm túc thực hiện việc thống kê, chuẩn hóa dữ liệu để mô hình cho kết quả chính xác nhất.
Theo ông Giang Thanh Long- Điều phối viên dự án, “Mô hình dự báo tài chính quỹ BHYT” được thực hiện trên cơ sở phân tích các số liệu thực do BHXH các địa phương thống kê và từ số liệu tổng hợp cuối cùng của BHXH Việt Nam đối với các địa phương. Theo đó, về phương pháp, dự án ước tính tổng chi phí dịch vụ BHXH thanh toán dựa trên số liệu tổng hợp về dân số, tỉ lệ tham gia BHYT, tỉ lệ sử dụng, chi phí KCB trung bình và tỉ lệ BHXH thanh toán. Từ đó, lập biểu mẫu phân loại các nhóm tham gia, tương ứng với tỉ lệ tham gia và nguồn thu BHYT từ các nhóm đối tượng này. Trên cơ sở phân tích các dữ liệu trên, biểu mẫu sẽ cho kết quả dự báo về số người tham gia BHYT từng nhóm, dự báo nguồn thu bao gồm chi phí trung bình và tổng thu được, tỉ lệ KCB ngoại trú và nội trú và tỉ lệ thanh toán, tính toán cân đối Quỹ…
“Cụ thể, với số liệu thí điểm tại tỉnh Bình Định, nhóm nghiên cứu đã chia thành 44 nhóm tham gia BHYT, trong đó có 10 nhóm tác động trực tiếp đến sự biến động Quỹ (chiếm 91% trong tổng số người tham gia BHYT) là: Nhóm DN, hộ gia đình, trẻ em, HSSV, người già, người nghèo, dân tộc vùng sâu vùng xa… Tuy nhiên, so sánh giữa tỉ lệ các nhóm tham gia và nguồn thu về quỹ BHYT có sự chênh lệch đáng kể. Nhiều nhóm có tỉ lệ tham gia nhiều, nhưng đóng góp ít, chi phí dịch vụ y tế- KCB lại cao hoặc ngược lại. Đây là cơ sở để cơ quan BHXH phân tích, điều chỉnh các quy định của mình cho phù hợp với thực tế ở từng thời điểm”- ông Long đánh giá.
Từ thực tế triển khai dự án, ông Hà Thúc Chí- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định cho rằng: “Hiện công tác dự báo vẫn gặp khá nhiều khó khăn, do nhiều yếu tố khách quan như: Chỉ tiêu giảm hộ nghèo ở từng địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; các thông tư, nghị định thường xuyên thay đổi, thậm chí đảo chiều. Ngoài ra, còn có yếu tố chủ quan từ con người như: Nhận thức của người dân, ý thức của cán bộ y tế…”. Ông Chí dẫn chứng, trong năm 2016, nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Bình Định có số bội chi cao đột biến, nằm ngoài dự báo và không thể dự báo trước. Vì vậy, có thể nói công tác dự báo là tương đối khó, đòi hỏi các chuyên gia, nhóm nghiên cứu phải đặc biệt theo sát diễn biến của thực tế, không thể chỉ có một công thức chung, mà cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng ở từng giai đoạn.
Tuy nhiên, ông Chí cũng đánh giá cao mô hình này khi bước đầu tính toán được các số liệu khá chính xác. Đồng thời, kỳ vọng trong thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục phân tích được những khó khăn xuất phát từ thực tế tác động đến quỹ BHYT ở khía cạnh nào và như thế nào, từ đó giúp cơ quan BHXH có thêm giải pháp điều chỉnh, tháo gỡ…
Ông Lưu Viết Tĩnh- Viện trưởng Viện Khoa học BHXH- đơn vị phối hợp nghiên cứu và thực hiện dự án cũng cho biết: Qua triển khai thí điểm tại 6 tỉnh, phía USAID/HFG đã tích cực triển khai, đề xuất, tham mưu cho cơ quan BHXH, đặc biệt là có sự phối hợp hiệu quả với BHXH các địa phương để xây dựng mô hình, với mục tiêu cao nhất là chuẩn hóa số liệu, dữ liệu, trùng khớp với thống kê của BHXH Việt Nam. Cũng theo ông Tĩnh, thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục được thí điểm tại 11 tỉnh, thành phố trên cả nước. Do đó, để mô hình đạt hiệu quả, rất cần sự phối hợp giữa BHXH các địa phương trong việc cung cấp số liệu và minh bạch thông tin.
Theo Báo BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...