Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu: Cấp thiết, khách quan và hợp lý

02/11/2016 07:49 AM


Thời gian gần đây, việc Bộ LĐ-TB&XH dự kiến đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu (Điều 187 Bộ luật Lao động) đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Tại buổi tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức cuối tuần qua, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Phạm Minh Huân- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và ông Trần Đình Liệu- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về những vấn đề liên quan…

5 lý do cần điều chỉnh tuổi nghỉ hưu

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 187 Bộ luật Lao động 2012, theo đó sẽ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho CBCCVC và NLĐ. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không phải là vấn đề mới, bởi từ năm 2008 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã nhiều lần đề xuất việc này.

Theo ông Phạm Minh Huân- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, có 5 lý do chính cần phải điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, đó là: Dân số Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa nhanh; tận dụng được chất xám, kinh nghiệm của những lao động cao tuổi; đảm bảo tính bền vững của quỹ BHXH; thực hiện quyền bình đẳng giới theo các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; theo xu thế chung mà nhiều nước trên thế giới đã làm.

Phân tích về những lý do này, ông Huân thẳng thắn: “Chúng ta không né tránh, mà cần phải nhìn nhận rõ thực tế nếu dân số già nhanh, mà vẫn giữ nguyên mô hình đóng- hưởng BHXH như hiện nay là không ổn, trong tương lai sẽ làm quỹ mất khả năng cân đối. Trong khi đó, nguồn chất xám ở những lao động cao tuổi bị lãng phí, do nhiều người khi đến độ chín của chuyên môn đã phải nghỉ hưu, nhất là trong thực tế có rất nhiều người sau khi nghỉ hưu vẫn đi làm tiếp và được trọng dụng, ưu đãi với mức lương cao.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã chủ động điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và mang lại hiệu quả. Đơn cử như Nhật Bản, Hàn Quốc quy định mức tuổi hưu cho cả nam và nữ là 65 tuổi; thậm chí các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào, Campuchia cũng đều quy định tuổi nghỉ hưu ở mức 60 tuổi cho cả nam và nữ. Còn các nước phát triển khác cũng đều đã làm việc này từ nhiều năm nay. “Tăng tuổi nghỉ hưu giờ mang tính toàn cầu. Việt Nam đang tham gia nhiều công ước quốc tế về lao động, việc làm, quyền con người. Chính vì vậy, việc đảm bảo bình đẳng giới giữa nam- nữ cũng cần phải tăng cường, trong đó có cả điều chỉnh tuổi hưu của nữ giới lên sát với nam giới hơn”- ông Huân nhấn mạnh.

Điều chỉnh theo hướng nào?

Theo ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được tính toán dựa trên nhiều phương diện: Sức khoẻ của NLĐ; điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước; thị trường lao động...

Ông Lợi nhấn mạnh, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu giờ đã trở thành vấn đề bức thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước cũng như quan hệ cung- cầu lao động, nhất là phải cân bằng số lượng người đóng BHXH cho số người hưởng BHXH. “Chúng ta xây dựng chính sách này không phải cho hôm nay, mà là đón đầu cho tương lai, qua đó đảm bảo an sinh xã hội cho đất nước theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng. Quan trọng là thời điểm, đối tượng điều chỉnh như thế nào? Nâng bao nhiêu là hợp lý?...”- ông Lợi nói.

Cũng theo ông Lợi, với những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, vùng sâu, vùng xa thì trước mắt chưa bàn đến điều chỉnh, nhưng với những ngành nghề có điều kiện thuận lợi thì phải bàn để không làm “chảy máu” chất xám và lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu là lãnh đạo thì không có nghĩa sẽ làm lãnh đạo tiếp, mà có thể tiếp tục làm việc với tư cách chuyên gia và hưởng lương chuyên gia. Do đó, Chính phủ cần phải có đánh giá tác động của việc này để việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sớm được thực hiện.

Liên quan vấn đề này, ông Trần Đình Liệu- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng khẳng định: “Bộ luật Lao động 2012 là “luật gốc”. Do đó, nếu Điều 187 của Bộ luật này được sửa đổi, thì Luật BHXH mới sửa được. Theo ông Liệu, với mô hình tính toán (mức đóng- hưởng) như hiện nay, nếu tăng mức đóng hoặc giảm mức hưởng đều khó, mà cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu”.

Về nguyên tắc, nếu tuổi nghỉ hưu tăng sẽ tác động đến quỹ BHXH. Cụ thể: Số tiền đóng vào quỹ sẽ tăng tương ứng với số năm tăng tuổi; tăng số tiền quỹ chưa phải chi lương hưu do người đó chưa hưởng lương hưu; tăng lãi đầu tư do quỹ chưa phải chi những khoản nêu trên. Ngoài ra, còn tác động đến việc chi BHXH khi sau này mức lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn. Đặc biệt, khi tăng tuổi nghỉ hưu, khả năng cân đối của quỹ BHXH được đảm bảo.

“Thời gian qua, trong vai trò là cơ quan thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam luôn bám sát tình hình, tổng hợp và đưa ra những dự báo về chính sách; đồng thời kiến nghị sửa luật trên cơ sở hài hòa, phù hợp từng nhóm đối tượng, ngành nghề. Nếu không làm ngay bây giờ, mà để 10- 15 năm sau mới làm sẽ là quá muộn”- ông Liệu nhấn mạnh.

Ông Phạm Minh Huân cũng cho rằng, để sửa đổi, bổ sung Điều 187 của Bộ luật Lao động đòi hỏi phải có phương án rất cụ thể theo từng nhóm đối tượng. Theo đó, phương án dự kiến là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 62; nữ từ 55 lên 58; đối với một số nhóm lao động như nặng nhọc, độc hại, vùng sâu, vùng xa vẫn có thể giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu. Phương án mà Bộ LĐ-TB&XH dự kiến là sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2020, mỗi năm tăng khoảng 4 tháng (các nước mỗi năm tăng 5- 6 tháng). Riêng với NLĐ thuộc lực lượng vũ trang- đây là lực lượng đặc biệt, được điều chỉnh theo luật chuyên ngành, nên sẽ được tính toán khi có sự điều chỉnh Bộ luật Lao động.

Người trẻ không lo mất việc làm

Một trong những vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm, chính là tăng tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng đến cơ hội việc làm cho lao động trẻ- khi trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có tới 191.000 SV ra trường chưa có việc làm…

Liên quan vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, các đơn vị sự nghiệp công đang dần chuyển sang cơ chế tự chủ. SV tốt nghiệp ra trường cũng đừng nghĩ phải vào biên chế, phải ngồi vào một cái ghế công chức… Bởi xã hội càng phát triển thì nhu cầu việc làm càng cao, do đó người trẻ cũng không quá lo lắng về việc không tìm được việc làm.

Trong khi đó, theo ông Phạm Minh Huân, nếu tổng việc làm không thay đổi có thể ảnh hưởng đến việc làm của giới trẻ. Nhưng đất nước đang phát triển, nên chắc chắn sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, do đó người trẻ không nên quá lo lắng. Đặc biệt, chính sách này không phải hạn chế việc làm, mà quan trọng là chúng ta được đào tạo, chuẩn bị sẵn sàng để làm việc như thế nào?

“Mọi người cũng cần xác định không phải lấy tiền hưu để làm giàu, mà để tái tạo sức khỏe, bù đắp cho những năm công tác”- ông Huân nhấn mạnh.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn

Theo thống kê số người hưởng lương hưu hằng năm của Bộ LĐ-TB&XH, tuổi nghỉ hưu đối với lao động HCSN, đảng, đoàn thể, LLVT cao nhất là 56,13 tuổi; lao động trong các DN FDI là 55,3 tuổi; lao động trong các DNNN, DN tư nhân đều hơn 52 tuổi… Lao động nữ nghỉ sớm hơn lao động nam; DN tư nhân và DNNN có tuổi nghỉ hưu sớm hơn.