Người dân tham gia BHYT: Viện phí sẽ không còn là gánh nặng

26/10/2016 01:35 AM


Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở y tế công lập. Theo đó, từ năm 2017, giá của gần 2.000 DVYT đối với người bệnh không có BHYT sẽ kết cấu thêm các yếu tố chi phí như giá dịch vụ áp dụng thanh toán BHYT. Báo BHXH đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Đại- Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) về những vấn đề liên quan tới việc điều chỉnh này.

* PV: Việc điều chỉnh giá DVYT đối với người không có thẻ BHYT nằm trong lộ trình theo hướng tính đúng, tính đủ. Theo ông, việc này tác động thế nào đến mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT?

- Ông Nguyễn Trí Đại:

Trong năm 2016, giá DVYT đã 2 lần điều chỉnh đối với nhóm người có thẻ BHYT. Lần thứ nhất (từ ngày 1/3) tăng 30% khi tính thêm chi phí phụ cấp ngày trực, phụ cấp thủ thuật; lần thứ hai (từ ngày 12/8) tăng khoảng 18% khi kết cấu thêm tiền lương, nhưng chỉ thực hiện tại 16 tỉnh có tỉ lệ tham gia BHYT trên 85%, những tỉnh còn lại từ nay đến hết năm sẽ điều chỉnh theo giá mới. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá DVYT chưa tác động đến nhóm người chưa tham gia BHYT.

Hiện nay, nhu cầu KCB ngày càng tăng, ngành BHXH cũng rất nỗ lực tạo thuận lợi cho người dân, nên số người tham gia BHYT sẽ tăng lên đáng kể, đặc biệt với nhóm đối tượng hộ gia đình. Tính đến hết năm 2015, số người tham gia BHYT hộ gia đình đạt trên 8,458 triệu người; đến hết tháng 6/2016 tăng lên 9,99 triệu người; dự kiến đến cuối năm đạt khoảng 10,5 triệu người- gấp đôi tốc độ tăng của năm 2015.

Do việc điều chỉnh giá DVYT trong năm 2016 mới chỉ áp dụng với người có thẻ BHYT (người không có thẻ BHYT vẫn được “ưu ái” mức viện phí thấp), nên khiến nhiều người dân còn chần chừ chưa tham gia BHYT. Vì vậy, nếu thực hiện điều chỉnh giá DVYT đối với người chưa có thẻ BHYT, chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến ý thức của người dân, giúp họ nhận thức rõ tầm quan trọng và sự cần thiết của BHYT. Theo dự kiến, việc điều chỉnh sẽ theo 2 bước: Từ ngày 1/1/2017 sẽ tính thêm phụ cấp đặc thù (tăng khoảng 30% so với hiện nay); từ ngày 1/7/2017 sẽ cộng thêm chi phí tiền lương của nhân viên y tế (tăng thêm khoảng 20%), nâng mức tăng tối đa lên khoảng 50%). Đây là điều kiện quan trọng để tăng độ bao phủ BHYT theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

* Trước mỗi lần điều chỉnh giá DVYT, luôn có ý kiến lo ngại về sức ép tài chính đối với người dân trong chăm sóc sức khỏe. Theo ông, lần điều chỉnh này liệu có tác động tiêu cực đến người dân khi đi KCB?

- Thực tế cho thấy, việc tăng giá DVYT cho riêng nhóm người có thẻ BHYT (từ 1/3/2016) không gây nhiều tác động, do đã được quỹ BHYT chi trả hầu hết chi phí. Nhưng với người chưa có thẻ BHYT, lần điều chỉnh giá này chắc chắn sẽ khiến họ phải chịu mức giá DVYT cao hơn khi đi KCB.

Tuy nhiên, theo tôi, việc tăng giá DVYT không phải là gánh nặng của người dân nếu họ tham gia BHYT, bởi lộ trình tăng giá DVYT đã được công khai từ rất lâu. Cùng với đó, quy định bắt buộc tham gia BHYT đã có hiệu lực từ năm 2015, Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia BHYT, thay đổi phương thức hỗ trợ cho chăm sóc sức khỏe người dân theo hướng chuyển dần phần kinh phí NSNN đang bao cấp cho các cơ sở y tế công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân tham gia BHYT. Nhiều địa phương đã dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Bộ Y tế cũng đang đề nghị một số giải pháp nâng mức hỗ trợ người làm nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình để họ tham gia BHYT (hiện đang hỗ trợ tối thiểu 30%).

Hiện nay, danh mục DVKT y tế được BHYT chi trả đã bao quát khoảng 95% DVYT hiện hành. Do đó, người bệnh sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách BHYT. Với nhóm đối tượng chưa tham gia BHYT, chắc chắn việc điều chỉnh viện phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ nếu đi KCB. Do đó, giải pháp quan trọng nhất để tháo gỡ lo ngại này là người dân nên tham gia BHYT để nhận được những hỗ trợ trong dịch vụ KCB, giảm gánh nặng viện phí.

* Đến nay, BHXH Việt Nam thực hiện nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHYT theo Quyết định 1167/QĐ-TTg như thế nào, thưa ông?

- Tại Quyết định 1167, Thủ tướng Chính phủ giao BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành đề xuất những giải pháp, cơ chế chính sách liên quan đến việc phát triển đối tượng và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về việc mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đặt ra không ít khó khăn cho cơ quan BHXH trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp phát triển đối tượng. Trước hết, tăng cường hoạt động tuyên truyền, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa của BHYT và nghĩa vụ của mỗi người trong việc tham gia. Đồng thời, xác định vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong phát triển đối tượng.

BHXH các địa phương cũng tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển BHYT toàn dân, gắn trách nhiệm phát triển đối tượng tham gia BHYT đối với các thành viên trong Ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng nhóm đối tượng để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua trong chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội hàng năm và giai đoạn 2016- 2020 đối với địa bàn cấp huyện. Trong đó, cân đối nguồn tài chính hỗ trợ thêm phần trách nhiệm phải đóng của người tham gia BHYT, theo hướng giảm dần chi phí từ nguồn NSNN cấp cho cơ sở KCB, để chuyển sang mua thẻ BHYT.

BHXH Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển đa dạng hệ thống đại lý thu đến tận thôn, xóm thông qua các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức nghề nghiệp- xã hội, các cơ sở KCB, tổ chức kinh tế. Cùng với đó, nỗ lực cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT…

Với những giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực của CCVC toàn Ngành, đến hết 30/9, số đối tượng tham gia BHYT trong toàn quốc ước đạt 74,3 triệu người, bằng 103% so với kế hoạch năm 2016, độ bao phủ BHYT đạt 81%- vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trong năm nay.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn baobaohiemxahoi.vn