Đỡ viện phí khi tham gia bảo hiểm y tế

24/10/2016 08:53 AM


6 tháng qua, giá dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng có bảo hiểm y tế (BHYT) đã tăng 2 lần giá khi chi phí phụ cấp ngày trực, phụ cấp thủ thuật và tiền lương của cán bộ y tế được tính vào giá viện phí. Tuy nhiên, không chỉ người bệnh có BHYT phải chịu tăng chi phí khám, chữa bệnh (KCB). Theo lộ trình, từ tháng 1.2017, viện phí sẽ tiếp tục tăng đối với những người không có BHYT.

Tăng viện phí bảo đảm công bằng

Theo Bộ Y tế, từ tháng 3.2016 đến nay, viện phí đã có 2 lần điều chỉnh tăng đối với nhóm người bệnh có BHYT. Cụ thể, từ ngày 1.3, viện phí của người có BHYT tăng khoảng 30% do tính thêm các chi phí phụ cấp ngày trực, phụ cấp thủ thuật. Tiếp đó, từ ngày 12.8, 16 tỉnh, thành phố có tỷ lệ dân tham gia BHYT đạt trên 85% tiếp tục tăng viện phí khi được tính thêm tiền lương vào giá dịch vụ y tế; từ nay đến hết năm 2016, các tỉnh còn lại sẽ áp dụng. Biểu đồ tăng viện phí sẽ tiếp tục được điều chỉnh với nhóm người bệnh không có BHYT vào đầu năm 2017.

BHYT 191016.JPG

Tăng viện phí đối với đối tượng không tham gia BHYT

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên, việc tăng viện phí từ đầu năm 2017 với những người không có BHYT được xây dựng theo hướng kết cấu thêm các chi phí như đã kết cấu vào giá dịch vụ cho người có BHYT, gồm phụ cấp ngày trực, phụ cấp thủ thuật, tiền lương. Lộ trình tăng được thực hiện 2 bước: Từ ngày 1.1.2017, viện phí của người không có BHYT sẽ tăng thêm trung bình khoảng 30% so với hiện nay khi tính thêm các chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù; từ 1.7.2017, cộng thêm các chi phí tiền lương nhân viên y tế, viện phí sẽ có mức tăng trung bình khoảng 50% so với giá hiện nay.

Ông Liên cũng cho biết, việc tăng viện phí với người không có BHYT tới đây nhằm tạo sự bình đẳng giữa người có BHYT và người không có BHYT để khuyến khích người dân tham gia BHYT nhiều hơn. Đồng thời, tăng viện phí nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, KCB cho người dân.

Viện phí còn tăng

Theo Liên bộ Y tế - Tài chính, sẽ có hơn 1.900 dịch vụ y tế được tăng giá. Ví dụ: Nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng sẽ tăng lên 684.000 đồng từ ngày 1.1.2017 và 793.000 đồng từ 1.7.2017; phẫu thuật cắt thực quản giá hiện nay là 4.056.600 đồng, tới đây lên 5.633.000 đồng và tiếp đó là 6.907.000 đồng.

Mặc dù viện phí sẽ tăng 30 - 50% đối với nhóm chưa tham gia BHYT nhưng việc điều chỉnh lần này cũng chưa tính chi phí sửa chữa lớn, khấu hao, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong bệnh viện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất có thể trong thời gian tới, viện phí sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cả nước hiện còn hơn 20% dân số chưa tham gia BHYT, nên tăng viện phí sẽ là gánh nặng rất lớn khi đau ốm.

Thực tế khi tham gia BHYT, người bệnh không phải lo lắng về gánh nặng chi phí KCB tăng cao nhưng rất nhiều bức xúc khi chất lượng dịch vụ y tế, KCB tại nhiều bệnh viện vẫn chưa được cải thiện tương xứng. Tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người bệnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn, chực chờ vất vả nhiều giờ mới được khám, điều trị. Tình trạng quá tải vẫn diễn ra trầm trọng khi không ít khoa, phòng điều trị người bệnh phải nằm ghép 2 - 3 người/giường.

Mới đây, tại diễn đàn về bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã chỉ rõ việc tinh thần, thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận y, bác sĩ và những người làm việc trong bệnh viện còn chưa tốt, việc theo dõi, chăm sóc người bệnh chưa chặt chẽ. Việc mổ nhầm, trả kết quả nhầm và các sự cố, sai sót y khoa liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, thậm chí tại cả những bệnh viện đầu ngành, khiến cho dư luận hoang mang.

Theo TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, tăng viện phí cũng chưa thể chấm dứt ngay được tình trạng chất lượng dịch vụ y tế kém hiện nay. Vì chất lượng KCB ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên cần có các giải pháp đồng bộ. Thậm chí, viện phí tăng sẽ kéo theo áp lực cạnh tranh, thu hút bệnh nhân, dễ dẫn tới lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật, chỉ định bệnh nhân phải xét nghiệm, chiếu chụp không cần thiết.

Theo Báo ĐBND