Tham gia, thụ hưởng chế độ BH hưu trí: Hiểu đúng để thực hiện đúng
01/11/2016 07:44 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BH hưu trí là chế độ an sinh xã hội dài hạn, quan trọng, nhưng cũng phức tạp, không chỉ liên quan đến hiện tại, mà còn cả thời gian quá khứ và tương lai của nhiều NLĐ có quá trình đóng góp và cống hiến khác nhau… Song, mọi sửa đổi đều ảnh hưởng đến hàng chục năm sau, chứ không phải chỉ một vài năm trước mắt.
Hoàn thiện BH hưu trí…
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng, chăm lo chính sách an sinh xã hội, trong đó BHXH là một trụ cột được thể hiện trong Cương lĩnh và các văn kiện của Đảng như: Kết luận số 23-KL/TW ngày 29/5/2012 và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Hội nghị Trung ương 5; Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của BCH Trung ương khóa XI đề cập cụ thể chính sách BHXH, với định hướng đa dạng hóa hình thức, mở rộng đối tượng, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH, tuân thủ nguyên tắc đóng- hưởng, bảo đảm cân đối quỹ BHXH, xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.
Thực hiện Cương lĩnh và Nghị quyết của Đảng, thể chế hóa thành Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật, Luật BHXH 2014 đã quy định và điều chỉnh các chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản; TNLĐ-BNN), chế độ BHXH dài hạn (hưu trí, tử tuất) theo hướng sửa đổi tiến bộ, nhân văn hơn so với quy định trước đó. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, hạn chế mà Luật chưa khắc phục được, trong đó có BH hưu trí- chế độ có mức đóng lớn nhất (22% tiền lương hoặc thu nhập hằng tháng của NLĐ) và việc quản lý, sử dụng, cân đối, bảo đảm an toàn Quỹ cũng rất phức tạp.
Theo cách hiểu chung của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, BH hưu trí là việc tạo nguồn tài chính bảo đảm cuộc sống, được nghỉ ngơi, chăm lo sức khỏe cho NLĐ khi suy giảm khả năng lao động do tuổi cao, già yếu. Theo đó, tuổi suy giảm khả năng lao động (tuổi nghỉ hưu) chính là “trần trên” của độ tuổi lao động, giới hạn giữa quyền, nghĩa vụ của NLĐ theo Hiến pháp và pháp luật. Nhiều nước trên thế giới gọi là “BH tuổi già” và không chi trả một lần cho NLĐ khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu. Cũng vì tính chất và mục đích an sinh xã hội lâu dài của BH hưu trí, mà Luật BHXH bắt buộc người SDLĐ phải đóng phần lớn quỹ BH hưu trí cho NLĐ. Theo đó, đến năm 2014, người SDLĐ phải đóng 14% trên tổng số 22% tiền lương của NLĐ cho quỹ BH hưu trí, còn NLĐ chỉ đóng 8%.
Xét về bản chất, 14% DN đóng được hạch toán vào giá thành, phí lưu thông, giảm trừ thu nhập chịu thuế của DN. Với mức thuế thu nhập DN (25%), đồng nghĩa với việc NSNN chịu 1/4 mức đóng BH hưu trí cho NLĐ. Còn đối với CBCCVC trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, thì 14% này do NSNN đóng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng mở ra hình thức BH hưu trí tự nguyện; có chính sách hỗ trợ để khuyến khích lao động khu vực phi chính thức tham gia, nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài; song trước mắt họ vẫn phải đóng cả 22%.
Tuy nhiên, do những hạn chế trong công tác quản lý, phân công, sử dụng lao động và một phần từ áp lực thực tế, mà Luật BHXH vẫn tiếp tục quy định tuổi nghỉ hưu theo ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc và sinh sống ở khu vực, địa bàn có mức phụ cấp khu vực cao, hoặc hạn chế bởi không thể thăng cấp bậc quân hàm của quân đội; chứ không hoàn toàn do suy giảm khả năng lao động bởi tuổi tác, già yếu. Đây cũng là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc cân đối quỹ BH hưu trí.
Khó, vẫn phải cải cách
Trước năm 1995, chế độ BH hưu trí chỉ có người SDLĐ đóng 1%, còn NLĐ làm công hưởng lương không phải đóng. Hệ quả là, hiện nay NSNN đang phải chi trả BHXH cho toàn bộ người về nghỉ hưu, nghỉ mất sức trước năm 1995.
Từ năm 1995 đến nay, BH hưu trí thực hiện theo nguyên tắc đóng- hưởng. Nhưng do chưa có chế độ BH thất nghiệp, nhận thức về chế độ BH hưu trí còn hạn chế; đặc biệt là trước áp lực đòi hỏi từ một bộ phận NLĐ và tổ chức Công đoàn (dù biết đòi hỏi là vô lý), nhưng để ổn định tình hình trước mắt, Luật BHXH 2006 vẫn quy định để các đối tượng không đủ điều kiện về tuổi vẫn được nhận BH hưu trí một lần.
Thực hiện chủ trương an sinh xã hội theo Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp, khi thông qua Luật BHXH 2014, Quốc hội đã nhận thức lại vấn đề này và tán thành việc chỉnh sửa Điều 60 và Điều 77 theo hướng thu hẹp đối tượng được nhận BH hưu trí một lần, không để tràn lan như Luật BHXH năm 2006. Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014 không nhận được sự đồng tình của một bộ phận NLĐ và tổ chức Công đoàn khi họ đòi hỏi phải được nhận BH hưu trí một lần để giải quyết đời sống khó khăn, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng trước mắt, hoặc để có một số vốn trở về quê tăng gia sản xuất…
Sự phản ứng của một bộ phận công nhân và một số tổ chức, cá nhân đối với chính sách BH hưu trí có thể còn tiếp tục diễn ra nếu không có biện pháp giải quyết đúng đắn, thích hợp; không làm rõ được bản chất sự việc hoặc không giải thích một cách có tình, có lý cho mọi người cùng hiểu, cùng thống nhất nhận thức. Một trong các nội dung cần khẳng định rõ, đây không phải là trả BHXH một lần, mà là trả BH hưu trí một lần, bởi vì BHXH gồm các chế độ: Ốm đau, thai sản; TNLĐ-BNN; hưu trí, tử tuất. Không ai có quyền và có thể trả các chế độ BH một lần. Như vậy, Điều 60, Mục 4, Chương III Luật BHXH 2014 ghi và quy định “trả BHXH một lần” và việc đòi hỏi trả BHXH một lần cần phải được xem xét sửa đổi.
NLĐ mới làm dăm năm, chưa đủ điều kiện về tuổi mà đã đòi lấy BH hưu trí một lần, tức là đang trẻ, còn sức khỏe làm việc lại lấy “của để dành”- thì dù với lý do gì đều trái với mục đích của BH hưu trí, có khác nào không ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN lại đòi được trả bảo hiểm ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN mặc dù các quỹ này còn kết dư. Không vì chăm lo cho tuổi già, không vì mục đích an sinh xã hội lâu dài, thì làm gì có chế độ BH hưu trí (tuổi già) và làm sao có cơ sở để pháp luật bắt buộc người SDLĐ phải đóng đến 14% trên 22% quỹ BH hưu trí của NLĐ. Nay NLĐ đòi lấy và nếu Nhà nước chấp nhận trả, thì cả hai đều sai về mục đích của chế độ BH hưu trí.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rõ sự công bằng và cân đối trong nguyên tắc đóng- hưởng của chế độ BH hưu trí. Theo quy định của Luật, NLĐ có đủ số năm đóng BH hưu trí hoặc có đủ thời gian làm việc trong điều kiện nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại từ 15 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, về hưu trước tuổi đều phải giảm trừ lương hưu thì không có lý do gì NLĐ lấy BH hưu trí một lần trước hàng chục năm lại không bị giảm trừ và cũng không có lý do gì mà cá nhân chỉ đóng có 8% mà lại được hưởng cả 22%.
Hãy nhìn rộng ra hàng triệu người làm công hưởng lương (công nhân hầm lò, địa chất, xây dựng, làm đường, cao su, vệ sinh môi trường, nghĩa trang, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, y tá, hộ lý…), dù đời sống cũng rất khó khăn, vất vả; song họ đều mong mỏi sau này được hưởng chế độ hưu trí. Nhiều nghệ sĩ, vận động viên thể thao có tuổi nghề rất ngắn, nên khi không còn đủ sức khỏe, thanh sắc, phải đi tìm việc khác để làm; song họ vẫn ủng hộ quy định của pháp luật về BH hưu trí. Vậy mà, vẫn còn một bộ phận NLĐ trong ngành dệt may, da giầy…, lại chưa nhận thức được vấn đề, mà chỉ muốn lấy BH hưu trí một lần.
Bên cạnh đó, còn hơn 30 triệu NLĐ khu vực không chính thức, làm việc trong lĩnh vực nông- lâm- ngư- diêm nghiệp, trong lĩnh vực dịch vụ… đang mưu sinh, tự tạo việc làm, nuôi sống gần 2/3 dân số, đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế- xã hội, trong số đó có không ít người đời sống rất khó khăn, thậm chí nghèo đói, mà họ đâu có đòi hỏi và được hưởng nhiều quyền lợi BHXH như những người làm công hưởng lương đang muốn lấy BH hưu trí (tuổi già) một lần.
Vì vậy, mọi tổ chức, cá nhân cần hiểu cho đúng chế độ BH hưu trí để thực hiện, để vừa bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ, vừa không tạo gánh nặng cho Nhà nước trong tương lai.
Đặng Như Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...