Phát triển đối tượng tham gia BHYT: Những rào cản cần tháo gỡ

21/11/2016 09:18 AM


Hiện nay, bên cạnh nhiều nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT cao (đạt gần 100%), vẫn còn một số nhóm có tỉ lệ bao phủ thấp, chưa đạt như mong muốn.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan- Phó trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam), đến hết quý III/2016, tỉ lệ bao phủ BHYT cả nước đạt 79,41%. So với tỉ lệ năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg, vẫn còn 20 tỉnh, thành phố chưa đạt chỉ tiêu.

Ở các địa phương, những nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT cao như: NLĐ thuộc khối HCSN, đối tượng được NSNN đóng hoặc được quỹ BHXH đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT (người nghèo, người có công với cách mạng, cán bộ hưu trí, trẻ em dưới 6 tuổi…). Trong khi đó, tỉ lệ bao phủ thấp lại tập trung ở các nhóm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình, HSSV, hộ gia đình.

Đối với hộ cận nghèo, tại Quyết định số 1584/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương huy động các nguồn lực tài chính để hỗ trợ tham gia, trước mắt là hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại của các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, nhưng đến nay vẫn còn một số tỉnh, thành phố chưa có cơ chế hỗ trợ, nên tỉ lệ tham gia của nhóm này chưa đạt 100%. Còn 9 tỉnh chưa thực hiện hỗ trợ hoặc hỗ trợ một phần cho người thuộc hộ cận nghèo mua thẻ BHYT (ngoài phần được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương). Tính chung, đến hết quý III, cả nước có 2,9 triệu người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT (đạt 90,3%; còn khoảng 500.000 người chưa tham gia).

Về nhóm đối tượng HSSV, hiện có 12,3 triệu em tham gia BHYT (11,2 triệu HS và 1,1 triệu SV); còn trên 2 triệu em chưa tham gia. Nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc, nên tỉ lệ HSSV tham gia chưa đồng đều và chưa đúng quy định của Luật BHYT. Đặc biệt, đối tượng SV từ năm thứ 2 trở đi tham gia BHYT rất thấp. Đáng nói, một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác phối hợp giữa 2 ngành BHXH và GD-ĐT trong việc triển khai BHYT cho HSSV. Còn tồn tại cơ sở giáo dục bậc ĐH, CĐ chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT cho HSSV vào các khoản thu đầu năm học, không chú trọng tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV nên tỉ lệ tham gia của HSSV chưa cao.

Đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, Luật BHYT 2014 đã quy định là 100% thành viên trong hộ gia đình phải tham gia, nhưng không quy định phải tham gia ở cùng thời điểm. Do đó, người dân vẫn quen mua thẻ BHYT theo cá nhân và chủ yếu chỉ tham gia khi có nhu cầu KCB. Tỉ lệ người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình rất thấp, mới chỉ đạt khoảng 37%.

Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng thuộc hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp còn hạn hẹp. Nhóm đối tượng này hiện mới được hỗ trợ 30% mức đóng, trong khi họ lại không được hưởng mức giảm trừ từ thành viên thứ hai trong gia đình tham gia BHYT như tham gia theo hộ gia đình. Đây cũng là một trong những lý do khiến tỉ lệ tham gia của nhóm này mới đạt trên 4%. Đến nay chỉ có một vài địa phương dùng ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp tham gia BHYT như các tỉnh: Tây Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình…

Ngoài ra, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế còn chậm, chưa đảm bảo sự công bằng giữa những người bệnh có thẻ BHYT và người chưa tham gia BHYT, nên chưa tạo được động lực về mặt tài chính để người dân tham gia BHYT.

Theo một số địa phương, Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016- 2020 áp dụng từ năm 2016, nhưng công tác triển khai tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi toàn quốc có khối lượng công việc lớn, dẫn tới việc phê duyệt danh sách của các địa phương chậm, lập danh sách tham gia BHYT chưa kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT.

Do đó, để thực hiện mục tiêu phát triển BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT ở cả 2 khía cạnh: Hỗ trợ từ ngân sách cho nhóm người cận nghèo, hộ làm nông- lâm- ngư- diêm nghiệp; đồng thời xây dựng cơ chế chuyển nguồn NSNN đang cấp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT theo đúng tinh thần Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị.

Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các Sở GD-ĐT đưa ra những tiêu chí đánh giá, xếp loại để HSSV ý thức được việc tham gia BHYT là trách nhiệm công dân của mình. Đồng thời cũng phải coi đó là một trong những tiêu chí thi đua của nhà trường trong việc giáo dục và chăm sóc sức khỏe HSSV.

Bộ Y tế cần trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 nhằm giải quyết kịp thời vướng mắc về giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT, cụ thể hóa hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình và BHYT HSSV.

Đối với UBND các địa phương cần phải đưa tỉ lệ tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội hằng năm, 5 năm của địa phương và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện chỉ tiêu này. Đặc biệt, ngoài nguồn ngân sách Trung ương, cần ưu tiên nguồn ngân sách địa phương cũng như huy động mọi nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ người dân tham gia BHYT…

Nguồn baobaohiemxahoi.vn