Bảo hiểm xã hộ tỉnh Lâm Đồng với chính sách và việc thực thi chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

10/07/2018 08:31 AM


 

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Tuy nhiên từ các năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp và các địa phương đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ cho DNNVV.

Trên tinh thần đó, cùng với việc thực hiện chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH tỉnh Lâm Đồng đã có những hành động cụ thể nhằm thực thi chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến với các tổ chức và mọi người dân, trong đó có các DNNVV và người lao động trên địa bạn tỉnh Lâm Đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1.801 doanh nghiệp trong đó có 1.403 doanh nghiệp là DNNVV (1.351 DN nhỏ và siêu nhỏ, 52 DN vừa). BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người lao động trong quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Hàng năm, BHXH tỉnh xác nhận người lao động tham gia BHXH để các doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, năm 2016 là 38 người, năm 2017 là 108 người, 6 tháng đầu năm 2018 là 40 người.

Nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành của địa phương tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp và người lao động để cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Năm 2017, đã tổ chức 195 hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT với Nhân dân tại các xã, phường, thị trấn và tại 3 doanh nghiệp; 6 tháng đầu năm 2018, đã tổ chức 182 hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT với Nhân dân tại các xã, phường, thị trấn và đối thoại trực tiếp tại 02 doanh nghiệp; phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức 01 cuộc đối thoại cho 75 DNNVV. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và người tham gia BHXH, BHYT, BHTN thông qua hệ thống email của BHXH tỉnh, qua  quy trình tiếp nhận, xử lý đường dây nóng, qua điện thoại cá nhân, được đông đảo doanh nghiệp và người lao động ghi nhận.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin luôn được ngành BHXH tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, các tổ chức, đơn vị; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh nhà trong bối cảnh hội nhập quốc tế. BHXH tỉnh Lâm Đồng đã rà soát, đơn giản hồ sơ, quy trình và thủ tục kê khai nộp và đề nghị giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN; rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với doanh nghiệp theo chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tiếp tục duy trì và cải tiến trong áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO 9001: 2008 về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN;

BHXH các cấp đã tích cực vận động, có giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn phương pháp giao dịch điện tử và dịch vụ bưu chính khi giao dịch với cơ quan BHXH nhằm cắt giảm tối đa thời gian đi lại, chờ đợi đối với doanh nghiệp, đồng thời minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính. BHXH tỉnh cũng đã cử cán bộ chuyên quản đến trực tiếp các đơn vị để hướng dẫn sử dụng các phần mềm, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp qua các hình thức bất cứ vào thời gian nào trong ngày. Đến nay, tổng số đơn vị sử dụng lao động đăng ký và thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử qua mạng internet với cơ quan BHXH là 2.902 đơn vị, trong đó, trên 99% doanh nghiệp đăng ký giao dịch với cơ quan BHXH. Tổng số thủ tục hành chính thực hiện qua mạng là 09 bộ thủ tục. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đang hướng đến mức độ 4.

BHXH tỉnh đã hoàn thành việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan BHXH và thường xuyên cập nhật nội dung cho website (http://bhxhlamdong.gov.vn/) để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các nội dung liên quan đến các thủ tục hành chính (thủ tục ISO) được kịp thời bổ sung khi có thay đổi; công bố danh mục cơ sở khám chữa bệnh ban đầu để phục vụ doanh nghiệp đăng ký khám chữa bệnh BHYT cho người lao động. Tiếp tục giảm thời gian in và cấp thẻ BHYT cho người lao động từ 7 ngày xuống 5 ngày đối với cấp mới và từ 5 ngày xuống còn 3 ngày đối với cấp lại thẻ BHYT; giảm thời gian cấp sổ BHXH từ 20 ngày xuống còn 5 ngày trong trường hợp cấp mới; cắt giảm thời gian tối đa (một số thủ tục) là 07 ngày làm việc so với quy định. Theo kế hoạch của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến năm 2020 sẽ giảm tổng số thời gian giao dịch giữa các doanh nghiệp với ngành BHXH là 45 giờ/năm.

Tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả qua hệ thống Bưu điện công ích đối với các đơn vị sử dụng lao động trong đó có DNNVV (kinh phí do cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng thanh toán) nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị sử dụng lao động và người dân nói chung, các doanh nghiệp và người lao động nói riêng được thuận lợi trong việc giao dịch với cơ quan BHXH. Ngoài ra, hàng tháng BHXH tỉnh thông báo số liệu đóng BHXH, BHYT, BHTN cho các doanh nghiệp thông qua phần mềm giao dịch hồ sơ điện tử; gửi các văn bản, giấy tờ liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên website BHXH tỉnh và email của doanh nghiệp.

Ngoài ra, đảm bảo quyền lợi về chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cơ quan BHXH. Năm 2017, BHXH tỉnh Lâm Đồng đã giải quyết chính sách BHXH cho 5.087 người lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Trong đó: giải quyết chế độ hưu trí là 448 người, một lần là 4.639 người; 6 tháng đầu năm 2018 đã giải quyết cho 2.961 người. Việc giải quyết đảm bảo quyền lợi, và đúng thời gian. Qua đó, tạo sự tin tưởng vào chính sách BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động nói chung, DNNVV nói riêng, cơ quan BHXH thường xuyên phối hợp cùng các sở ngành khác cùng tham gia kiểm tra, thanh tra đảm bảo mỗi doanh nghiệp mỗi năm chỉ có 1 cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Năm 2017, tổ chức thanh tra, kiểm tra 157 đơn vị, trong đó: thanh tra liên ngành 33, thanh tra chuyên đề 78 đơn vị, kiểm tra 46 đơn vị. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra đã truy thu trên 335 triệu đồng, thu nợ trên 13 tỷ đồng và nhất là đã yêu cầu đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 364 người đang làm việc tại các đơn vị, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 6 tháng đầu năm 2018 tổ chức thanh tra, kiểm tra trên 100 doanh nghiệp theo kế hoạch đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.

Tóm lại, thông qua việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại địa bàn tỉnh, BHXH tỉnh đã góp phần vào việc hỗ trợ DNNVV trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương ngày càng lớn mạnh./.

Trần Sơn