Phòng, chống kháng thuốc
10/09/2024 09:20 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2045 kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc trên địa bàn tỉnh; có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh của tỉnh hoạt động hiệu quả.
Kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật (như vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng) kháng lại các thuốc kháng sinh đã có tác dụng với các vi sinh vật này trước đây. Kháng thuốc ngày nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người bệnh kháng thuốc bao gồm: Kê toa kháng sinh không hợp lý; người bệnh không dùng hết liều kháng sinh như được kê đơn; lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc và thuỷ sản; kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và phòng khám chưa tốt; thiếu vệ sinh và hệ thống vệ sinh kém; phát triển kháng sinh mới còn hạn chế.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có ít nhất 700.000 người chết do các bệnh kháng thuốc. Người bệnh kháng thuốc nếu cần dùng thuốc thì thuốc không thể phát huy tác dụng, từ đó khiến người bệnh bị bệnh nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn. Việc phòng, chống kháng thuốc đặc biệt quan trọng trong nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, giảm thiểu tỷ lệ tử vong và bảo vệ sức khỏe người bệnh.
Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2024 -2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh với quan điểm sử dụng hợp lý, an toàn và có trách nhiệm thuốc kháng vi sinh vật ở người, động vật, cây trồng là giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề kháng thuốc. Phòng, chống kháng thuốc là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm nòng cốt của ngành Y tế và ngành Nông nghiệp. Chủ động phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, nâng cao năng lực phòng ngừa, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật. Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc nhằm làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung.
Mục tiêu đến năm 2030 nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, nhân viên thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc. Cấp ngân sách theo Kế hoạch thực hiện Đề án trọng điểm của từng ngành để triển khai thực hiện vào năm 2025, duy trì đến năm 2030. Tỷ lệ hiểu biết đúng về phòng, chống kháng thuốc ở người trưởng thành, bà mẹ đạt ít nhất là 50% vào năm 2025 và trên 60% vào năm 2030; ở nhân viên y tế, nhân viên thú y đạt ít nhất là 60% vào năm 2025 và trên 70% vào năm 2030.
Thiết lập và củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật. Trong đó, 1 bệnh viện tuyến tỉnh tham gia hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc ở người vào năm 2025; ít nhất 2 bệnh viện tuyến tỉnh tham gia hệ thống vào năm 2030 và triển khai giám sát kháng thuốc của các vi sinh vật trong cộng đồng vào năm 2025 và tiếp tục mở rộng vào năm 2030. Có ít nhất 90% cán bộ tham gia trong hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp được tập huấn chuyên môn về kỹ thuật nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ và sử dụng, quản lý dữ liệu giám sát kháng thuốc. Thực hiện báo cáo giám sát về kháng thuốc đầy đủ (hằng năm) theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.
Giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm. Tỷ lệ các bệnh viện thiết lập chỉ tiêu, triển khai kế hoạch kiểm soát mức độ kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh thường gặp trong bệnh viện và đánh giá tuân thủ thực hành tốt về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn sinh học ở tuyến tỉnh đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và trên 70% vào năm 2030, tuyến huyện đạt ít nhất 20% vào năm 2025 và trên 40% vào năm 2030. Tỷ lệ các bệnh viện thực hiện kỹ thuật vi sinh để chẩn đoán, điều trị và giám sát kháng thuốc ở tuyến tỉnh đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030, tuyến huyện đạt ít nhất 15% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Tỷ lệ các bệnh viện thực hiện việc triển khai giám sát chủ động nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế và triển khai các can thiệp làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn này trong bệnh viện tuyến tỉnh đạt ít nhất 50% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030, tuyến huyện đạt ít nhất 20% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm. Tỷ lệ các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh đạt ít nhất 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030. Tỷ lệ các cơ sở khám, chữa bệnh cho động vật tuân thủ hướng dẫn sử dụng kháng sinh của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y đạt ít nhất 10% vào năm 2025 và trên 20% vào năm 2030. Vào năm 2025, thiết lập được hệ thống giám sát sử dụng và tiêu thụ kháng sinh ở người và động vật trên địa bàn tỉnh và tiếp tục mở rộng đến năm 2030.
Nội dung hoạt động bao gồm: Tham gia xây dựng và triển khai khung hành động chung làm nền tảng cho sự hợp tác đa ngành, điều phối, triển khai, giám sát các hành động theo trách nhiệm cụ thể của mỗi ngành. Xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án trọng điểm của từng lĩnh vực y tế, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong các lĩnh vực tương ứng theo hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan. Tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành và chia sẻ thông tin về sự đề kháng, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật giữa các sở, ngành và các đối tác có liên quan trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống kháng thuốc trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch; lồng ghép vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội của đơn vị, địa phương và ưu tiên phân bổ kinh phí hằng năm để thực hiện. Chủ động áp dụng bộ chỉ số đánh giá và theo dõi việc triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc đối với lĩnh vực y tế, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường...
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT