Cơ giới hóa trên ruộng đồng

21/03/2022 07:59 AM


Những năm trở lại đây, nông hộ ở An Nhơn (Đạ Tẻh) được “nhàn nhã” hơn trên cánh đồng khi máy móc đã thay thế sức người. Đồng ruộng ngày càng phì nhiêu, tơi xốp, cho những mùa vàng bội thu.  
 
Đồng bào DTTS xã An Nhơn sắm máy móc, nông cụ để phục vụ đồng ruộng.
Đồng bào DTTS xã An Nhơn sắm máy móc, nông cụ để phục vụ đồng ruộng.
 
Theo UBND xã An Nhơn thì tỷ lệ cơ giới hóa trên đồng ruộng hiện nay đạt trên 90 % với hơn 400 chiếc máy cày, 10 máy gặt đập liên hợp, hộ dân làm lúa nào cũng có máy gieo hạt tự động và máy phun thuốc tự động. Nhờ vậy, 1.552 ha lúa gieo trồng các vụ trong năm luôn đạt năng suất bình quân 6 tấn/ha.
 
Nhằm phát triển sản xuất, xã An Nhơn đã tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương, hoàn thiện việc quy hoạch vùng và mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao gắn với ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện liên kết với các công ty giống để gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, chế biến và đóng gói bao bì sản phẩm lúa giống mang nhãn hiệu “Lúa nếp quýt Đạ Tẻh” để tạo nguồn hàng hóa giá trị cao cung ứng cho thị trường. Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình VietGAP, GlobalGAP được duy trì mỗi năm.
 
Ông Nguyễn Văn Bông (Thôn 1) là người trồng nếp quýt lâu năm ở xã An Nhơn so sánh: Làm nông giờ khá nhàn rỗi, nếu như trước đây, chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa thì giờ đã có máy móc làm hết. Từ cày, bừa, xuống giống, phun thuốc, thu hoạch, đóng bao bì…Nói chung, người trồng lúa ở đây được giải phóng sức lao động.
     
Đặc biệt, xã An Nhơn có 2 thôn có đồng đồng bào DTTS sinh sống. Trước đây, đời sống của bà con còn khó khăn, nhiều công đoạn trên ruộng đồng đều phải làm thủ công. Đến nay, bà con đã chú trọng đầu tư máy móc sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giải phóng sức lao động. Ông Triệu Văn Ngán là người dân tộc Nùng ở Thôn 5 tâm sự: Trước đây, làm ruộng vất vả lắm, mọi công đoạn đều làm bằng tay, cày kéo thì sử dụng sức trâu bò. Nay tôi mạnh dạn mua một chiếc máy cày hơn 80 triệu đồng để phục vụ cho gia đình, nhờ vậy mà ruộng đồng lúc nào cũng được cày xới tơi xốp. 
 
Anh Lương Văn Thuyên là  đồng bào  DTTS ở địa phương đã  mạnh dạn sắm máy gặt đập liên hợp, ngoài phục vụ cho đồng ruộng của mình anh  còn  làm dịch vụ cho nông dân địa phương và đi gặt ở các huyện khác.  
 
Ông Lưu Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho biết: Hiện nay, nông dân địa phương đã cơ bản sắm sửa máy móc, nông cụ để sản xuất các vụ lúa. Đối với bà con vùng đồng bào DTTS thì tỷ lệ máy móc cơ giới cũng khá cao, nhờ vậy năng suất lao động được cải thiện đáng kể. Cuộc sống của bà con đồng bào DTTS cũng thay đổi rõ rệt về vật chất lẫn tinh thần.
 
Bên cạnh đó, nguồn rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch đã được nông dân địa phương tận dụng, sử dụng máy cuốn rơm tự động để phục vụ chăn nuôi cho đàn trâu hơn 316 con và đàn bò 845 con.  
 
ĐỨC TÚ

Báo Lâm Đồng