Tân Thanh quyết liệt giữ rừng

21/03/2022 07:51 AM


Đã có thời điểm, xã Tân Thanh được nhắc đến như điểm nóng liên quan đến vấn đề rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Lâm Hà, nhưng với sự tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và đất lâm nghiệp, vấn đề này đã và đang dần được địa phương này kiểm soát tốt.
 
Các lực lượng tham gia trồng rừng ở xã Tân Thanh
Các lực lượng tham gia trồng rừng ở xã Tân Thanh
 
Tân Thanh là xã vùng xa của huyện Lâm Hà có diện tích tự nhiên là 12.446 ha trong đó, đất rừng và đất lâm nghiệp gồm 10 tiểu khu với tổng diện tích là 6459,02 ha. Diện tích rừng tự nhiên giao khoán QLBV là 1.936,86 ha, diện tích đất lâm nghiệp không có rừng là 4522,16 ha, diện tích rừng trồng vốn Nhà nước là 85 ha. Việc Tân Thanh có địa giới hành chính trải dài giáp các xã Phúc Thọ, Hoài Đức, một phần của huyện Di Linh và một số địa phương thuộc tỉnh Đắk Nông là một trong những khó khăn lớn cho địa phương trong công tác QLBVR và đất lâm nghiệp. 
 
Những năm gần đây, xã Tân Thanh đã có nhiều đổi mới trong cách lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt hơn trong việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nhữ Văn Hiếu - Phó Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Huyện uỷ Lâm Hà, Đảng uỷ xã Tân Thanh đã xây dựng nghị quyết chuyên đề và kế hoạch thực hiện chi tiết nhiệm vụ này hàng năm. Trong đó: việc phát huy trách nhiệm đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu; giao trách nhiệm cụ thể cho các thôn; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân và quyết liệt trong xử lý các vụ việc vi phạm là những giải pháp đã chứng minh rõ hiệu quả. 
 
Cụ thể, trong năm 2021, Ban Lâm nghiệp xã Tân Thanh đã đẩy mạnh tuyên truyên về Luật Lâm nghiệp và Đề án trồng rừng của huyện tại các thôn. Tuỳ vào tình hình dịch bệnh ở các thời điểm khác nhau mà việc tuyên truyền được thực hiện linh động bằng hai hình thức gồm tuyên truyền tập trung và tuyên truyền lưu động. Đồng thời, xã Tân Thanh cũng đã vận động 128 hộ dân sinh sống và sản xuất gần diện tích rừng và đất lâm nghiệp ký cam kết bảo vệ rừng và trồng rừng. 
 
Song song với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân, để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã, Ban Thường vụ (BTV) Đảng uỷ xã đã phân công các đồng chí Uỷ viên BTV, Uỷ viên Ban chấp hành, UBMTTQ và các đoàn thể phụ trách, theo dõi, chỉ đạo các vấn đề liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Quân - Chủ tịch UBND xã trao đổi thêm: Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát sẽ giúp đội ngũ cán bộ xã nắm rõ tình hình các tiểu khu, phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời, dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đất lâm nghiệp, quản lý lâm sản trên địa bàn xã. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động ở các cấp từ xã xuống thôn cũng như toàn xã hội đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc tăng cường tuần tra, truy quét bảo vệ rừng tại các tiểu khu trọng điểm, nắm rõ hình thức hoạt động của các đối tượng vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm cũng đã có tác động rất lớn giúp giảm các vụ vi phạm xảy ra. Nhờ vậy, trong năm 2021 trên địa bàn xã Tân Thanh không xảy ra trường hợp phá rừng tự nhiên nào, chỉ xảy ra các vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp nhưng đã được xử lý. 
 
Cũng trong năm qua, Ban Lâm nghiệp xã phối hợp cùng đội QLBVR, Ban QLRPH Lâm Hà, kiểm lâm địa bàn, Ban Công an xã, ban CHQS xã tổ chức giải tỏa 10 đợt tại Tiểu khu 288, 289, 290,286b với diện tích 72.793 m2. Song song với đó, công tác trồng xen, khôi phục rừng trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp theo các chương trình, kế hoạch được phê duyệt với 156,57 ha/134 lô rừng trồng theo Đề án 02, 12,71ha/14 hộ trồng mắc ca ghép và trồng rừng thí điểm trồng cây giổi xanh năm 2021 được 39,3 ha tại Tiểu khu 289, 290, 291, 292. Đồng thời tiến hành kiểm tra, đôn đốc các hộ thực hiện trồng bù, trồng dặm những diện tích trồng rừng chưa đạt mật độ, những vị trí cây bị chết để đảm bảo mật độ theo đúng đề án vào năm 2021 được 158,17 ha/123 hộ. Trồng rừng sau giải tỏa được 1,3 ha tại Tiểu khu 290.
 
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hải Quân chia sẻ thêm, để làm tốt hơn nữa công tác này, UBND xã đã tiếp tục chỉ đạo cả hệ thống chính trị xã tập trung thực hiện. Tuyên truyền vẫn là giải pháp nòng cốt để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, đặc biệt là bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm, Ban QLRPH Lâm Hà tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, qua đó, đề xuất thay thế các cá nhân nhận khoán hoạt động không hiệu quả, báo cáo kịp thời các hành vi xâm phạm rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn xã; tiếp tục lập cam kết với các hộ gần rừng không phát phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, tăng cường giám sát các hộ, các đơn vị nhận khoán QLBVR tham gia tuần tra Bảo vệ rừng theo lịch đã dược phân công. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án PCCCR, lập lịch trực chỉ huy, có phương án huy động lực lượng tại chỗ do UBND xã trực tiếp chỉ huy với phương châm 4 tại chỗ, kiểm tra phương án PCCCR của các chủ rừng, mục tiêu làm giảm số vụ cháy rừng, diện tích cháy rừng, mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra. Tăng cường công tác kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân được giao khoán đất lâm nghiệp để thực hiện trồng rừng theo Nghị định 01, 135/CP; đồng thời, đề xuất chấn chỉnh, xử lý những trường hợp cố tình không thực hiên đúng phương án. Thường xuyên theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên rừng và quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các diện tích bị phá chưa tìm ra thủ phạm để ngăn chặn việc tái lấn chiếm, đề nghị đơn vị chủ rừng đưa diện tích đất lâm nghiệp vào kế hoạch trồng rừng vào năm sau. Bên cạnh đó, địa phương này cũng tập trung nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế, tạo hướng đi bền vững cho người dân…
 
NGỌC NG

Báo Lâm Đồng