Thực hiện Luật Dược: Bảo đảm quyền sử dụng thuốc chất lượng của người dân
12/10/2015 01:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là quan điểm của hầu hết đại biểu tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Dược với mục tiêu vì người bệnh”, do Cục Quản lý Dược -Bộ Y tế phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, tổ chức ngày 09/10.
Nhiều đóng góp cho ngành dược
Theo Cục Quản lý Dược, sau 10 năm thực hiện, Luật Dược đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận và sử dụng thuốc có chất lượng, giá hợp lý. Việc ban hành Luật Dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dược phát triển, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Từ chỗ chỉ có khoảng 50 cơ sở đạt GMP ASEAN, đến nay, số lượng cơ sở sản xuất thuốc đạt WHO-GMP là 142 cơ sở (với 154 nhà máy), trong đó có một số cơ sở đạt EU-GMP, GMP-PIC/s.Thuốc sản xuất tại Việt Nam ngày càng đa dạng về dạng bào chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều trị của người dân. Năm 2005, thuốc sản xuất trong nước có hơn 300 hoạt chất. Hiện nay, thuốc sản xuất trong nước chứa khoảng 500 hoạt chất với đầy đủ 17 nhóm tác dụng dược lý, trong đó có cả các thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép... Thuốc sản xuất trong nước hiện đáp ứng được 234/314 hoạt chất trong Danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam. Sản xuất thuốc trong nước đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân trung bình trên 15% trong khi tăng trưởng GDP của cả nước đạt khoảng 6%.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực có nền công nghiệp vaccine. Vaccine do Việt Nam sản xuất đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) để phòng 12 bệnh. Trong thời gian tới, các đơn vị sản xuất vaccine đang nghiên cứu và đưa thêm một số vaccine vào chương trình TCMR như vaccine 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib), vaccine sởi - Rubella. Thuốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng đạt tiêu chuẩn của WHO về tương đương sinh học và hiệu quả điều trị tốt, nhiều nhóm thuốc và vaccine của Việt Nam được các nước trong khu vực và thế giới đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá và công nhận các chức năng Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) của Việt Nam với kết quả rất xuất sắc. Hệ thống NRA của Việt Nam là 1 trong 37 quốc gia được WHO công nhận về tiêu chuẩn khắt khe về quản lý vaccine.
Thực tế đã chứng minh việc quản lý giá thuốc của cơ quan liên ngành là có hiệu quả, thuốc được cung ứng đầy đủ với chất lượng gắn với giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân, không còn hiện tượng “sốt” giá như giai đoạn từ 2005 trở về trước. Thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn với chỉ số giá của nhóm hàng dược phẩm thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng chung, đứng thứ 9/11 nhóm hàng trọng yếu. Không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, bất hợp lý ảnh hưởng tới công tác phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Các số liệu khảo sát cho thấy, giá thuốc ở Việt Nam ở mức phù hợp so với thế giới và thấp hơn so với các nước trong khu vực. Số liệu khảo sát của WHO cho thấy giá thuốc generic tại các cơ sở y tế công lập của Việt Nam thấp hơn mặt bằng chung quốc tế và ở trong giới hạn được cho là mức giá phù hợp (từ 1 - 1,5 lần). Mức chênh lệch của giá thuốc biệt dược so với giá tham khảo quốc tế tại khu vực công lập của Việt Nam nằm trong khoảng trung bình so với số liệu quốc tế. Kết quả khảo sát giá thuốc tại Trung Quốc và Thái Lan cho thấy, giá thuốc trúng thầu tại Thái Lan cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 3,17 lần, giá thuốc thanh toán cho bệnh nhân tại Trung Quốc cao hơn Việt Nam với tỷ lệ trung bình 2,25 lần. Bên cạnh đó, chính sách Nhà nước về lĩnh vực dược đã tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước phát triển.
Đáp ứng hội nhập quốc tế
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Dược 2005 đã bộc lộ một số vướng mắc do một số quy định không còn phù hợp với giai đoạn mới. Vì vậy, Luật Dược (sửa đổi) tập trung vào nghiên cứu, bổ sung những nội dung mới để phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế.
Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, các quy định của Việt Nam trong Dự thảo Luật Dược mới cũng có nhiều điểm tương đồng với quốc tế. Chẳng hạn như quy định về thời hạn đăng ký lưu hành cho sản phẩm thuốc là 5 năm, sau đó doanh nghiệp phải có báo cáo để có thể đăng ký lại.
Góp ý về vấn đề này, nguyên thành viên Ủy ban các sản phẩm y tế nhân sinh, nguyên Phó chủ tịch Ban Công tác vaccine, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu Pieter Neels cũng chia sẻ: các sản phẩm thuốc ở châu Âu chỉ được cấp phép lưu hành 5 năm. Sau 5 năm, cơ sở sản xuất thuốc phải làm báo cáo với những bằng chứng cụ thể về tình hình sử dụng, hiệu quả của thuốc để được cấp phép lại. Nguyên Giám đốc Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu Fernand Sauer cho biết, các nhà sản xuất hay nhập khẩu, buôn bán hóa dược tại châu Âu cũng phải được đăng ký với các điều kiện chặt chẽ. Các điểm bán thuốc đều phải đạt yêu cầu về cơ sở vật chất như điều kiện bảo quản thuốc, trình độ của người bán thuốc và được thanh tra, kiểm tra định kỳ. EU cũng áp dụng một logo chung cho các nhà thuốc, nhà bán lẻ trực tuyến hoạt động hợp pháp ở các nước thành viên để tránh tình trạng bán thuốc bất hợp pháp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ góp phần giúp ban soạn thảo bổ sung vào Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) để Quốc hội vào thời gian tới./.
Theo daibieunhandan.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT