Cung ứng thuốc thuốc ARV điều trị HIV/AIDS từ nguồn Quỹ BHYT: Cách nào?

22/09/2015 02:22 AM


Do đã thoát khỏi tình trạng quốc gia nghèo, từ năm 2017, các nhà tài trợ quốc tế sẽ cắt hoàn toàn nguồn cấp thuốc ARV điều trị cho người HIV/AIDS tại Việt Nam. Để đảm bảo công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được duy trì hiệu quả, chúng ta đã có lộ trình bù đắp bằng cơ chế chi trả từ nguồn quỹ BHYT. Tuy nhiên, việc hiện nay mới có khoảng 30% bệnh nhân có thẻ BHYT cũng đang đặt ra những vấn đề cần sớm giải quyết…

BHYT- nguồn tài chính quan trọng

Ngày 22/9, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với một số bộ, ngành liên quan để thảo luận, thống nhất phương án mua thuốc ARV qua quỹ BHYT. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo đã chủ trì cuộc họp.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long- Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến tháng 6/2015, cả nước có 227.114 trường hợp nhiễm HIV (trong đó số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 71.115 người). Một trong các biện pháp điều trị đang được sử dụng là dùng thuốc kháng ARV, loại thuốc làm giảm lượng virus HIV xuống, giúp người bệnh khỏe mạnh và quan trọng là làm giảm 95% nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Hiện có hơn 95.700 trường hợp đang được điều trị thuốc. 95% tiền chi cho thuốc kháng ARV cấp phát miễn phí là từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, từ đầu quý II/2015, các tổ chức quốc tế đã chấm dứt chi tiền thuốc cho các bệnh nhân mới và chưa có cam kết hỗ trợ sau năm 2017. Trong khi đó, mỗi tháng Việt Nam có khoảng 800-1.000 bệnh nhân HIV mới cần được điều trị bằng thuốc kháng ARV. Do vậy, việc tìm nguồn tài chính để tiếp tục cấp thuốc ARV cho các bệnh nhân này đang là nhu cầu cấp bách, bởi nếu quá trình điều trị gián đoạn sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, kéo theo việc điều trị tốn kém và làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác.

Mặc dù trong năm 2015 Nhà nước đã phải tăng kinh phí mua thuốc ARV lên 85 tỉ đồng, nhưng con số này “chưa thấm vào đâu” so với tổng nhu cầu 422 tỷ đồng hiện nay. Nguồn bù đắp chi phí này được dự kiến sẽ là quỹ BHYT, thông qua cơ chế chi trả chi phí KCB cho người có thẻ BHYT với lộ trình được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất là bắt đầu từ tháng 7/2016. Theo ước tính, chỉ tính riêng với khoảng 30% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT, kinh phí mua thuốc kháng ARV từ BHYT năm 2016 là khoảng 40 tỷ đồng, năm 2017 là 90 tỷ đồng.

Cần cơ chế đặc thù

Theo Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Tống Thị Song Hương, quyền lợi của người bệnh HIV/AIDS đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể trên nhiều văn bản. Trong đó, Thông tư số 15/2015/TT-BYT hướng dẫn thực hiện KCB BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS có hiệu lực từ 15/8/2015 đã quy định nhiều dịch vụ mà người bị HIV/AIDS có tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả. Cụ thể như: Hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của Quỹ; phí xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai có HIV; khám bệnh; xét nghiệm HIV; thuốc kháng ARV và các dịch vụ KCB HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ bụng mẹ có HIV. Bộ Y tế cũng đã có văn bản quy định danh mục thuốc kháng HIV do BHYT chi trả.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm khác được đặt ra cách nào để tăng diện bao phủ lên 100% người HIV/AIDS có thẻ BHYT, giúp việc điều trị không bị gián đoạn? Theo bà Hương, hiện chưa có con số thống kê số người có thẻ BHYT chính xác bởi nhiều người bệnh hiện chưa dùng thẻ BHYT để điều trị tại các cơ sở y tế. Do đó, rất cần phải xác định lại nhu cầu cụ thể về số bệnh nhân cần hỗ trợ thẻ BHYT, từ đó đề xuất với Chính phủ cơ chế tài chính mua thẻ BHYT cho các đối tượng này, như từ nguồn ngân sách địa phương, Quỹ KCB cho người nghèo, các nguồn xã hội hóa…

Đề cập đến khía cạnh khác là số tiền đồng chi trả của bệnh nhân HIV/AIDS liên quan đến chi phí KCB BHYT, cấp thuốc ARV, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cần xác định rõ số người có nhu cầu điều trị bằng thuốc kháng ARV, cũng như xác định nguồn tài chính bù đắp phần cùng chi trả cho nhóm đối tượng này từ đâu? Bởi phần lớn người điều trị đều có điều kiện kinh tế khó khăn, khó có điều kiện chi trả.

Về phương thức mua thuốc ARV, đại diện BHXH Việt Nam thống nhất với phương án được Bộ Y tế đề xuất là thực hiện đấu thầu tập trung quốc gia. Theo đó, Bộ Y tế sẽ ký hợp đồng khung với đơn vị trúng thầu, các cơ sở ký hợp đồng với nhà cung cấp, để đảm bảo nguyên tắc tài chính của quỹ BHYT là thanh toán chi phí trực tiếp của cơ sở y tế đã ký hợp đồng KCB BHYT.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh yêu cầu bức thiết, nhất định phải tăng nhanh diện bao phủ BHYT người có HIV/AIDS, ít nhất là tất cả người bệnh HIV/AIDS đang được quản lý. Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục Phòng, chống HIV/AIDS rà soát lại số người có HIV/AIDS cần hỗ trợ thẻ BHYT. Trong trường hợp số người chưa có thẻ BHYT cần hỗ trợ lớn, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất trình Chính phủ cho cơ chế đặc thù, cho phép NSNN và các nguồn khác để mua thẻ BHYT cho nhóm đối tượng này. Từ việc tính toán, xác định nhu cầu cụ thể về thuốc ARV và chi phí để mua thuốc, đề xuất Chính phủ cho phép tập trung nguồn vốn BHYT để mua sắm tập trung, tạm ứng kinh phí BHYT để mua thuốc ARV trước. Đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ phần đồng chi trả BHYT của bệnh nhân HIV/AIDS.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn