Đề xuất Luật định việc hoãn xuất cảnh trường hợp chủ doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHYT
12/06/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
(Ảnh minh họa)
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành là sự cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam trong những năm qua. Dự án Luật này được xây dựng theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Việc ban hành Luật là cần thiết, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền tự do đi lại của người Việt Nam, góp phần cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Do đó, trong thời gian thảo luận, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về các nội dung, phạm vi điều chỉnh của Luật; giải thích từ ngữ; nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của công dân; giấy tờ xuất nhập cảnh; cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử; quản lý, sử dụng và các trường hợp được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước; cấp hộ chiếu cho người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu, có nguyện vọng về nước ngay; cấp giấy thông hành...
Trước đó, trong thời gian thảo luận tại tổ, liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng: Về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh, đề nghị bổ sung trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn bởi sự bỏ trốn của họ để lại hậu quả hết sức nặng nề. Cụ thể là nợ lương, BHXH, BHYT, BHTN của người lao động; nợ thuế đối với Nhà nước; nợ ngân hàng và các doanh nghiệp đối tác. Vì vậy, việc bổ sung đối tượng này vào các đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động; cũng như đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, không để sơ hở của pháp luật cho các hành vi lừa đảo, vô trách nhiệm. Về tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, theo thông tin từ Vụ Thanh tra, Kiểm tra (BHXH Việt Nam), tính hết ngày 31/05/2019, đã chủ trì thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các tỉnh Bình Dương, Phú Yên, Bắc Ninh, Quảng Nam, Cao Bằng và phối hợp với Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra tại tỉnh Nghệ An, Cà Mau, Lào Cai; qua đó, phát hiện 428 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng hơn 01 tỷ đồng, 1.580 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng trên 2,3 tỷ đồng (tổng số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong thời gian thanh tra là hơn 15,2 tỷ đồng). Đồng thời, BHXH các tỉnh, thành phố cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6.359 đơn vị; phát hiện 7.024 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng gần 28,6 tỷ đồng, 6.713 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng trên 05 tỷ đồng (các đơn vị đã thực hiện đóng nộp số tiền nợ BHXH, BHYT trong thời gian thanh tra là hơn 205,7 tỷ đồng).
Oanh Nguyễn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT