Từ hôm nay (20/3), nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh được hỗ trợ mua thẻ BHYT
20/03/2019 09:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là giải pháp hỗ trợ thiết thực chia sẻ một phần khó khăn với các nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh có hiệu lực thi hành từ hôm nay (ngày 20/3/2019).
(Ảnh minh họa)
60.000 người bị thương vì bom mìn
Báo cáo công bố hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh cho biết, hiện nay diện tích đất đai hiện còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên 6,1 triệu ha, chiếm 18,71 % diện tích đất cả nước. Thống kê của Bộ Tư lệnh công binh, chỉ tính riêng số bom, mìn, vật nổ từ năm 1945 đến 1975 do quân đội đối phương sử dụng ở Việt Nam đã lên tới trên 15 triệu tấn, nhiều gấp 4 lần so với số bom mìn sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Kết quả điều tra năm 2002, số bom mìn vật nổ còn sót lại ở nước ta khoảng 800.000 tấn, làm ô nhiễm khoảng 20% diện tích đất đai toàn quốc, chưa tính đến ô nhiễm bom mìn dưới biển. 63/63 tỉnh, TP trong cả nước đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, tập trung nhiều nhất là tại các tỉnh miền Trung.
Tính từ khi kết thúc chiến tranh (4/1975) đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương. Tính riêng trong giai đoạn từ năm 2010 - 2014 đã có gần 2.000 nạn nhân thương vong do bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh phát nổ. Phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Nhiều nạn nhân sống sót sau tai nạn nhưng trở thành gánh nặng suốt đời cho gia đình và xã hội.
Các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm, có thể gây nổ khi có tác động trong quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hóa học. Bởi thế ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.
Được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định
Nghị định 18/2019/NĐ-CP quy định nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh có các quyền sau: Quyền được Nhà nước hỗ trợ y tế ban đầu, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm và bảo trợ xã hội. Con của các nạn nhân bom mìn vật nổ là trẻ em thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ học bổng, kinh phí mua phương tiện, đồ dùng học tập theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh được hưởng các quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định, Nhà nước hỗ trợ chăm sóc y tế khi bị tai nạn, hỗ trợ mua BHYT và được hưởng chính sách BHYT theo quy định về BHYT; hỗ trợ về chỉnh hình, phục hồi chức năng; được hỗ trợ giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm; được hỗ trợ sinh kế và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội. Nhà nước hỗ trợ tái định cư và phát triển kinh tế cho dân cư thuộc khu vực ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh; hỗ trợ học tập đối với con của nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Nghị định quy định, Bộ, cơ quan ngang bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh. Hiện các Bộ, ngành và các địa phương đang tích cực triển khai Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010 – 2025 nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội./.
Theo BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT