Tốc độ già hóa tại Việt Nam đang nhanh chưa từng thấy
10/03/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bức tranh toàn cảnh về tình hình già hóa dân số, với các cơ hội và thách thức đặt ra với khu vực Đông Á và Đông Nam Châu Á, trong đó có Việt Nam đã được phác họa trại Hội thảo "Thích ứng với già hóa dân số ở châu Á: Nhìn dưới góc độ tham gia xã hội và việc làm" do Hội Người cao tuổi Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Ảnh: Nguồn Internet.
Khu vực Đông Nam Á và Đông Á trong đó có Việt Nam đang trải qua thời kỳ già hóa dân số với tốc độ chưa từng thấy từ trước tới nay. Năm 2011, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số và Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Già hóa nhanh ở Việt Nam là do tuổi thọ bình quân của người Việt đang tăng lên nhanh chóng (đạt gần 73,5 tuổi, cao hơn mức trung bình của thế giới và xếp thứ ba tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Brunei); trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất tử lại giảm mạnh. Điều này đặt ra những thách thức đặc biệt trong lĩnh vực tham gia xã hội và việc làm.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến người cao tuổi nhằm vừa chăm sóc, vừa phát huy vai trò của người cao tuổi và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi theo từng giai đoạn phát triển đất nước. Nhiều chính sách, chương trình dành cho người cao tuổi được cụ thể hoá qua Luật Người cao tuổi, Nghị định. Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP năm 2017 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã nhấn mạnh về sự chuẩn bị nhằm thích ứng với quá trình già hóa dân số ở nước ta.
“Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH xác định Việt Nam sẽ cố gắng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi, đồng thời Việt Nam rất cần các bạn bè quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nguồn lực để có thể đạt mục tiêu già hóa chủ động, già hóa khỏe mạnh đối với mọi người cao tuổi Việt Nam” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói.
TS. Giang Thanh Long, Viện Chính sách Công, trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã nêu quan điểm cụ thể về vấn đề già hóa dân số ở châu Á: cơ hội và thách thức. Trong đó đề cập tới các số liệu chi tiết về già hóa dân số tại châu Á và Việt Nam, những cơ hội và thách thức về thị trường lao động, việc làm, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dài hạn...
Đồng thời, nêu các dẫn chứng cụ thể về hệ quả kinh tế xã hội và sức khỏe của việc nâng tuổi hưu với lao động nam và nữ; việc sử dụng thời gian của người cao tuổi trong các công việc gia đình; trầm cảm, cô đơn tuổi già - các hệ lụy kinh tế - xã hội và sức khỏe; sự khác biệt giới về sức khỏe và việc sử dụng các dịch vụ y tế; các nhu cầu không được đáp ứng, nguồn nhân lực và vấn đề tài chính trong chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi…
Ông Shuichi Ohno - Chủ tịch Tổ chức Hòa Bình Sasakawa phát biểu tại Hội thảo.
Ông Shuichi Ohno - Chủ tịch Tổ chức Hòa Bình Sasakaw cho rằng, khi nhìn vào già hóa dân số cần phải có một quan điểm sâu rộng hơn vì đây không chỉ là vấn đề bản thân người cao tuổi, mà còn là vấn đề của toàn xã hội. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh tới về việc cần quan tâm hơn đến sự tham gia xã hội của người cao tuổi cũng như các hoạt động tạo thu nhập.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận về các nội dung như: Việc sử dụng thời gian của Người cao tuổi trong các công việc gia đình; Trầm cảm, cô đơn tuổi già - các hệ lụy kinh tế - xã hội và sức khỏe; Sự khác biệt giới về sức khỏe và việc sử dụng các dịch vụ y tế; Các nhu cầu không được đáp ứng, nguồn nhân lực và vấn đề tài chính trong chăm sóc dài hạn cho Người cao tuổi; Dinh dưỡng của Người cao tuổi; Dân trí về tài chính của Người cao tuổi...
Bên cạnh đó, Hội thảo cùng lắng nghe những chia sẻ, những kinh nghiệm nhằm thích ứng với già hóa dân số ở Nhật Bản và Thái Lan qua chia sẻ của các chuyên gia đến từ 2 nước, qua đó học tập các sáng kiến, áp dụng vào các mô hình hỗ trợ Người cao tuổi đang triển khai, đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm, các giải pháp cho các vấn đề liên quan tới Người cao tuổi tại Việt Nam./.
BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT