Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)
12/06/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 13/6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Mở rộng phạm vi điều chỉnh luật
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), Bế Minh Đức (Cao Bằng), Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước là cần thiết, phù hợp xu thế quốc tế cũng như yêu cầu phòng chống tham nhũng đặt ra trong tình hình hiện nay; đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, hối lộ, nhận hối lộ... đối với người có chức vụ, quyền hạn trong DN, tổ chức ngoài nhà nước; đồng thời phù hợp với các công ước của Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên.
“Việc lành mạnh hóa nhóm chủ thể này còn giúp phát triển bền vững, ổn định nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng trong khu vực công. Cùng với đó, cần đánh giá tác động, tính khả thi, đồng thời các quy định chặt chẽ, phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, vừa không gây khó khăn đến hoạt động của các chủ thể này”- đại biểu Đức nhìn nhận.
Tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự luật ra khu vực tư, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích, thực tiễn hiện nay cho thấy, tham nhũng trong khu vực tư diễn ra nghiêm trọng, phức tạp và làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2010-2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển thực hiện cho thấy, tham nhũng là một trong 5 yếu tố ảnh hưởng nhất đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong những năm gần đây. Để được tiếp cận nhanh nguồn vốn tín dụng, một số DN đã trích phần trăm “lại quả” cho cán bộ tín dụng, thường dưới 5% giá trị hợp đồng.
“Tham nhũng trong khu vực tư không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của các tổ chức, DN trong khu vực tư, mà còn ảnh hưởng đến khu vực công. Trong một số trường hợp, khu vực tư chính là nơi rửa tiền, sân sau của những hành vi tham nhũng trong khu vực công. Do đó, công tác phòng chống tham nhũng sẽ không hiệu quả, nếu bỏ qua khu vực công”- đại biểu Hoa nói.
Tranh luận về nội dung này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị thận trọng trong việc mở rộng phạm vi điều chỉnh dự luật, bởi phòng chống tham nhũng trong khu vực công hiện còn chưa làm tốt, sẽ khó có nguồn lực, công sức để thực hiện ở khu vực tư.
Luật quy định vai trò trách nhiệm cá nhân
Nêu quan điểm của mình, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) bày tỏ, qua tiếp xúc và ghi nhận ý kiến cử tri, nhân dân rất mừng vì sự quyết tâm của Đảng trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt là với những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Cử tri, nhân dân mong muốn phải kiên quyết, kiên định tiêu diệt tham nhũng, phải xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản trong phòng chống tham nhũng. Cử tri, nhân dân có ý kiến sửa tên luật thành Luật Phòng trừ tham nhũng.
“Tham nhũng cũng như sâu, cỏ đối với cây trồng, đối với sự phát triển. Đối với sâu, cỏ thì phải nói là diệt chứ không nói là chống. Luật nên quy định rõ vai trò của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng, bởi đây là sự nghiệp của toàn dân. Đồng thời, quan tâm đến công tác khen thưởng với người có đóng góp trong phòng chống tham nhũng”- đại biểu Việt góp ý.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhận định, có 3 nguyên nhân dẫn đến công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua chưa cao. Cụ thể, sự thiếu tương ứng giữa trách nhiệm và quyền lợi. Không thể đòi hỏi người đứng đầu chịu trách nhiệm về những việc mà không có quyền quyết định. Bởi không phải người đứng đầu nào cũng có quyền lựa chọn cấp phó của mình và các nhân sự khác. “Giả sử người đứng đầu đề cử cấp phó và phải chịu trách nhiệm về việc đề cử, thì trong hai hành vi này (hành vi đề cử và hành vi quyết định đề bạt) thì hành vi nào phải chịu trách nhiệm cao hơn”- đại biểu Thúy nói.
Trách nhiệm phải truy cứu trên cơ sở hành vi (ở đây là hành vi đề bạt), thì người phải chịu trách nhiệm là một quan chức cấp trên. Tuy không hiếm trường hợp nhân sự được đề bạt là do yếu tố của cấp trên, quy trình xét duyệt chỉ là để hợp thức hóa ý kiến của cấp trên- nên đây có thể là mảnh đất màu mỡ cho chạy chức, chạy quyền. Tuy nhiên, nhiều trường hợp áp đặt chế độ cho hành vi đề bạt là hết sức rủi ro, vì người có thẩm quyền đề bạt cán bộ thường không có điều kiện theo dõi hoạt động hàng ngày của người mình đề bạt (cả trước và sau khi đề bạt), nên khó yêu cầu họ chịu trách nhiệm...
Kế đến, sẽ rất khó xác định rõ ràng phạm vi liên đới trách nhiệm. Ví dụ ở cấp phòng, có cán bộ tham nhũng thì trưởng phòng chịu trách nhiệm, nhưng phòng lại thuộc sở thì giám đốc sở có phải chịu trách nhiệm không? hay bao nhiêu phòng xảy ra tham nhũng thì giám đốc sở mới phải chịu trách nhiệm?...
Theo Báo BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT