Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi)
07/06/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng nay (8/6), tiếp tục Kỳ họp thứ 5, với 88,3% tổng số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi).
Luật Quốc phòng (sửa đổi) gồm 7 chương, với 40 điều, quy định cụ thể về nguyên tắc, chính sách, hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân đối với quốc phòng.
Về chính sách của Nhà nước đối với quốc phòng, Luật quy định củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, sức mạnh quân sự để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Thực hiện độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời; thực hiện chính sách hòa bình, tự vệ; sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi, đánh bại mọi âm mưu và hành vi xâm lược.
Luật quy định kết hợp quốc phòng với kinh tế- xã hội; là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế- xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế- xã hội. Nhà nước có kế hoạch, chương trình kết hợp quốc phòng với kinh tế- xã hội và kinh tế- xã hội với quốc phòng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ.
Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế- xã hội của bộ, ngành, vùng, địa phương, các dự án quan trọng quốc gia, khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược phải kết hợp với quốc phòng, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Luật cũng quy định Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan lập kế hoạch về nhu cầu quốc phòng và khả năng kết hợp quốc phòng với kinh tế- xã hội trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh; tổ chức, xây dựng khu kinh tế- quốc phòng; tổ chức, quản lý hoạt động của DN phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng theo quy định của pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phải được Bộ Quốc phòng cho ý kiến, tham gia thẩm định theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phải tuân thủ yêu cầu về kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với bảo đảm quốc phòng theo quy định của luật có liên quan. Một số dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng.
Cũng theo Luật, về nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân, Điều 24 Luật Quốc phòng (sửa đổi) quy định hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ.
Sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thực hiện theo lệnh của Chủ tịch nước; trong thi hành lệnh thiết quân luật, giới nghiêm thực hiện theo quy định của Luật; trong tình trạng khẩn cấp do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh, quốc gia; khi tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới thực hiện theo quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh; hoặc khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, tham gia phòng chống và khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh cũng có thể sử dụng lực lượng vũ trang và việc sử dụng này do Chính phủ quy định.
theo Báo BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT