Đà Lạt: Tiếp tục hành động để bảo vệ, chăm sóc trẻ em
07/07/2023 01:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn TP Đà Lạt đã được quan tâm và triển khai thực hiện tương đối tốt và không xảy ra các vụ án lớn xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em thì vẫn cần phải tiếp tục được quan tâm, nâng cao hơn nữa, đặc biệt là công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội cũng như các ban, ngành, đoàn thể liên quan về quản lý chăm sóc giáo dục trẻ em...
Phải ghi nhận rằng, trong những năm qua, thực hiện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, TP Đà Lạt đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Xác định tầm quan trọng của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, trong giai đoạn qua, UBND TP Đà Lạt thường xuyên chỉ đạo Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật thành phố và các ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em, qua đó các cấp, các ngành, địa phương trên toàn thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức về phòng, chống xâm hại trẻ em để nâng cao kỹ năng phòng ngừa cho trẻ em. Thành phố cũng chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức các buổi tuyên truyền tại cộng đồng về kiến thức bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, trẻ em, giáo viên, học sinh về những kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em; lồng ghép nội dung truyền thông vào trong các buổi sinh hoạt của thôn, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp.
UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các phường, xã tăng cường tuyên truyền về tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Thành phố cũng đã phân phát đến cán bộ, công chức, các hộ gia đình trên địa bàn những tờ gấp pháp luật hướng dẫn các thủ tục về đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi; đăng ký nhận cha, mẹ, con; đăng ký nuôi con nuôi; đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế; đăng ký kết hôn; đăng ký lại việc kết hôn; đăng ký việc sinh, đăng ký lại việc sinh; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân... Biên soạn và in ấn tài liệu tuyên truyền có nội dung hỏi và trả lời về Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để tuyên truyền đến tổ dân phố, thôn, UBND các phường, xã và các phòng, ban, đơn vị thành phố...
Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, các ngành chức năng TPĐà Lạt đã tổ chức trên 220 buổi tuyên truyền công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, qua đó lồng ghép tuyên truyền công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, tổ chức triển lãm ảnh về thiếu nhi...
Việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đã cung cấp những kiến thức cần thiết nhằm phối hợp ngày càng hiệu quả hơn giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chủ động tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ tại gia đình, trường học và cộng đồng.
Thống kê từ năm 2021 đến nay, thành phố đã nhận được 20 tin tố giác, tin báo về tội phạm, khiếu nại, tố cáo đối với các vụ việc xâm hại trẻ em. Qua đó, số vụ đã xác minh và xử lý 20 vụ; số vụ có căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can 16 vụ, 17 bị can; số vụ xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ. Công tác tiếp nhận, phân loại, điều tra, xử lý, giải quyết tố giác tin báo về xâm hại trẻ em đều được thực hiện kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của UBND thành phố, thì công tác này cũng còn một số những tồn tại như kiến thức kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em của các tầng lớp Nhân dân vẫn còn hạn chế, công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến những kỹ năng này đến người dân chưa thường xuyên, liên tục; Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội cũng như các ban, ngành, đoàn thể liên quan về quản lý chăm sóc giáo dục trẻ em còn thiếu chặt chẽ; Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thông tin còn 1 số bất cập dẫn đến vẫn còn tình trạng thông tin không chính thống, văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy... ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng, lối sống trẻ em. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, một số địa phương và nhận thức chung của xã hội về pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa thực sự đầy đủ và chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này. Vì vậy mà ở một số nơi, một số thời điểm, khi xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, đa số vẫn còn tâm lý không dám công khai vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em.
Trong thời gian tới, TP Đà Lạt cũng đặt mục tiêu làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực này nhằm bảo vệ được con em tránh khỏi sự xâm hại, góp phần vào công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em.
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT