Gắn kết hoạt động bảo tàng với phát triển du lịch
07/07/2023 01:40 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Gắn kết hoạt động bảo tàng với phát triển du lịch là một hướng đi mới, một mặt mang đến cho du khách những trải nghiệm, khám phá văn hóa thú vị, mặt khác mở ra nhiều cơ hội để gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa.
Bảo tàng Lâm Đồng hiện có 3 điểm tham quan. Bên cạnh trụ sở chính Bảo tàng Lâm Đồng tại số 4D Hùng Vương (TP Đà Lạt), còn có Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt ở số 9A Hồ Xuân Hương (TP Đà Lạt) và Khu di tích Quốc gia đặc biệt khảo cổ Cát Tiên (huyện Cát Tiên), đa dạng về loại hình văn hóa, phong phú về các giá trị lịch sử, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Ông Lê Kim Phúc - Giám đốc Công ty Cổ phần We 4U (TP Đà Lạt), cho rằng tour du lịch khám phá các giá trị văn hóa tại Bảo tàng Lâm Đồng đã tạo hiệu ứng tốt về thẩm mỹ và cảm xúc cho những khách hàng của ông. Tuy nhiên, với con mắt nghề nghiệp của một nhà tổ chức tour chuyên nghiệp, ông Lê Kim Phúc lưu ý thêm: “Tôi nghĩ rằng, Bảo tàng Lâm Đồng nên nghiên cứu xây dựng chiến lược marketing để thu hút du khách. Ví dụ, hình ảnh cần bắt mắt hơn, hiện vật trưng bày cần đa dạng hơn, không gian trưng bày hiện vật cũng phải hợp lý hơn...”. Tán đồng ý kiến với ông Lê Kim Phúc, Tiến sĩ Trương Thị Lan Hương - giảng viên Khoa Du lịch - Trường Đại học Đà Lạt, nói: “Bảo tàng Lâm Đồng đang sở hữu một số lượng hiện vật rất lớn nhưng chưa biết cách đưa nó ra cho công chúng hiểu. Phải làm sao để công chúng thấy được cái giá trị văn hóa của hiện vật, còn chỉ trưng bày hiện vật đơn thuần như hiện nay thì hiệu quả của việc trưng bày mang lại không cao”.
Chia sẻ về điều này, ông Hoàng Ngọc Huy - Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, thổ lộ: “Những người làm bảo tàng luôn trăn trở, tìm cách lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử đến với du khách. Bên cạnh việc đổi mới trưng bày theo từng chủ điểm, cũng như áp dụng các phương tiện khoa học - kỹ thuật để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày, Bảo tàng Lâm Đồng cũng đã tăng cường các hoạt động, các chương trình trải nghiệm, giáo dục di sản văn hóa theo cách tiếp cận mới để tăng thêm sự hấp dẫn đối với du khách”. Theo anh Nguyễn Thái Lê, một hướng dẫn viên du lịch ở Quảng Bình, ngoài nỗ lực tự đổi mới của bảo tàng, việc giáo dục cho học sinh về tình yêu đối với di sản văn hóa dân tộc cũng phải thay đổi. Có như vậy, học sinh mới hiểu và yêu hơn văn hóa dân tộc, lịch sử dân tộc. Mà bảo tàng chính là nơi lưu giữ các giá trị ấy. Ông Lê Kim Phúc nói thêm: “Để thu hút khách tham quan, yêu cầu tiên quyết là bảo tàng phải tạo được sự hấp dẫn từ cách trưng bày, bố trí thuyết minh viên đến sử dụng công nghệ tiên tiến và đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm thực tế cho khách tham quan là hướng đi tất yếu”.
Một điểm nữa, bảo tàng cũng cần tăng cường sự kết nối với các bảo tàng trong khu vực để trao đổi, làm phong phú thêm các hiện vật trưng bày, bên cạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch và các bảo tàng, nhất là cần sự gắn kết các hoạt động bảo tàng với các doanh nghiệp du lịch trên cơ sở thực hiện minh bạch về trách nhiệm và quyền lợi của bảo tàng và doanh nghiệp.
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT