''Dân vận khéo'' để nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
14/06/2023 01:28 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với công tác xóa đói giảm nghèo ở xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà là Mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu mang lại nhiều kết quả thiết thực. Từ đó, góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Hà, Đan Phượng hiện có gần 1.600 hộ dân với hơn 5.800 nhân khẩu. Trước đây, nhiều hộ dân trên địa bàn chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống với những loại cây trồng quen thuộc như cà phê, tiêu và một số cây trồng khác theo hình thức tự phát nên hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập không ổn định. Chính vì vậy, Đảng ủy xã Đan Phượng đã lãnh đạo, chỉ đạo để chính quyền, Khối Dân vận, Mặt trận, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nâng cao thu nhập và đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Nổi bật là Mô hình “Dân vận khéo” tuyên truyền, vận động nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xóa đói giảm nghèo của Hội Nông dân xã phối hợp thực hiện trên địa bàn.
Để triển khai thực hiện Mô hình “Dân vận khéo” thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xóa đói giảm nghèo, Hội Nông dân xã Đan Phượng đã phối hợp tuyên truyền, vận động các hộ gia đình hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Cùng với đó, Hội Nông dân xã Đan Phượng đã vận động, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp; khuyến khích người nông dân canh tác, sản xuất theo hướng an toàn, bền vững gắn với ứng dụng khoa học kĩ thuật công nghệ cao. Hàng năm, Hội Nông dân xã Đan Phượng cũng đã tổ chức phát động đăng ký thi đua, bình xét danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi”. Hàng năm, có trên 60% hộ nông dân tại địa phương đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi. Hiện nay, Hội Nông dân xã cũng đã phát động tất cả hộ nông dân có mức sống từ trung bình trở lên đăng ký danh hiệu này, phấn đấu hàng năm bình xét đạt 70% trở lên so với tổng số hộ đăng ký.
Nhằm thúc đẩy Phong trào thi đua Sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân xã Đan Phượng đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan vận động, tạo điều kiện, hỗ trợ các nguồn lực như: công lao động, vật tư nông nghiệp, khoa học - kỹ thuật, vốn sản xuất... cho hội viên, nông dân. Đến nay, Hội Nông dân xã Đan Phượng đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên nông dân vay với dư nợ hơn 6,6 tỷ đồng; phối hợp cho nông dân vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dư nợ hơn 23 tỉ đồng; tín chấp cho nông dân mua trả chậm hơn 600 tấn phân bón các loại. Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, Hội Nông dân xã Đan Phượng cũng đã phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức hội thảo đầu bờ cho nhà nông địa phương tham gia.
Hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với công tác xóa đói giảm nghèo đã góp phần hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả của nhà nông tại xã Đan Phượng. Điển hình như, Mô hình Nuôi dê thịt, dê sinh sản của 7 hộ nông dân thôn An Bình, giải quyết việc làm cho hơn 23 lao động. Hay Mô hình Nuôi tằm thôn Tân Lập, thôn Nhân Hòa với 18 thành viên tham gia, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 30 lao động và một số mô hình đa canh như trồng cây ăn quả xen cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương cũng đã trực tiếp giúp đỡ cho hộ nghèo và cận nghèo về vốn, giống, vật tư, khoa học kĩ thuật cùng ngày công lao động để họ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Đồng chí Trần Hữu Nhiệm - Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng cho biết, Mô hình “Dân vận khéo” của Hội Nông dân xã đã góp phần đưa Phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đi vào thực chất và khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cũng có ý nghĩa thiết thực đối với hội viên, nông dân, phát huy được tính cộng đồng giúp nhau cùng phát triển kinh tế; đồng thời, giúp cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Mặt khác, thông qua Phong trào Sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực đóng góp vật chất để xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tích cực hiến đất, đóng góp tiền và ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá, trạm điện, cầu cống, đường giao thông nông thôn... Từ đó, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT