Chủ động phát hiện và loại bỏ ngay nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết
13/06/2023 08:21 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) năm 2023 của tỉnh Lâm Đồng được triển khai trong tháng 5 và tháng 6 tại các huyện, thành phố trong tỉnh với thông điệp:“Chủ động phát hiện và loại bỏ ngay nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH”.
Cùng với thời tiết thay đổi thất thường, mưa sớm, thời tiết đang bước vào mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho quần thể lăng quăng, muỗi phát triển. Bên cạnh đó, tâm lý người dân còn lơ là, chưa chủ động tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết cụ thể như việc diệt lăng quăng tại hộ gia đình và cộng đồng nơi sinh sống; khi mắc bệnh không đến cơ sở y tế để khám và điều trị, tự mua thuốc điều trị tại nhà đã làm gia tăng số ca bệnh có diễn tiến nặng do đến cơ sở y tế muộn.
Dự báo tình hình dịch bệnh năm 2023 sẽ diễn biến phức tạp hơn năm 2022. Các cơ sở y tế cần phải tiếp tục triển khai và duy trì các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh SXH:
Để chủ động phòng, chống SXH, không để dịch, bệnh bùng phát và lan rộng trong thời gian tới cần triển khai các hoạt động cụ thể sau: Đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng cùng đồng hành với ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch SXH. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, trường học, cơ quan truyền thông... để huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động phòng, chống SXH. Triển khai các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và thay đổi hành vi trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại địa phương.
Mỗi người, mỗi nhà hãy dành ra 10 phút mỗi tuần để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh với phương châm: “Không có lăng quăng, không có muỗi, không có bệnh sốt xuất huyết”. Tạo ra phong trào truyền thông, tuyên truyền triệt để và toàn diện đến cộng đồng về kiến thức cơ bản về bệnh và vận động người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXH, thực hiện diệt lăng quăng tại nhà. Nâng cao ý thức cộng đồng trong việc tự phòng bệnh và tăng cường sự hợp tác của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống bệnh SXH. Duy trì thường xuyên các hoạt động giám sát dịch tễ, phát hiện sớm các trường hợp bệnh SXH, giám sát véc tơ truyền bệnh, khoanh vùng xử lý các ổ dịch kịp thời, triệt để theo đúng theo quy định của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, các trạm y tế xã, phường, thị trấn cần chủ động tham mưu, đề xuất với chính quyền các cấp tại địa phương thường xuyên triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình, khu dân cư, khu vực công cộng. Tuyên truyền, vận động người dân tự giác thực hiện biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để phòng, chống SXH. Đảm bảo đầy đủ nhân lực, vật tư hóa chất, máy phun hóa chất để phục vụ cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH. Các cơ sở điều trị chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc điều trị; sẵn sàng tiếp nhận và điều trị kịp thời cho các bệnh nhân có các dấu hiệu cảnh báo và các trường hợp SXH nặng.
Theo các chuyên gia y tế, những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết Dengue khá tương đồng với với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm. Đặc biệt, khởi phát của sốt xuất huyết Dengue có khi giống với triệu chứng của bệnh COVID-19 nên dễ bỏ sót. Nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện của nhiều phụ huynh dẫn đến trẻ nhập viện muộn, nguy cơ bệnh SXH Dengue dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh SXH trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể theo dõi nhiệt độ và các dấu hiệu toàn thân khác. Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa, quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống, nghỉ ngơi, sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt. Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như: Aspirin, ibuprofen vì nó có thể gây chảy máu, không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
Nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. Đó là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện ngay.
Để phòng ngừa SXH, nguyên tắc đầu tiên là phải diệt hết lăng quăng, không để các chum, vại chứa nước hoặc các chậu cây cảnh có nước, dọn dẹp và loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết. Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống muỗi cắn như dùng kem chống muỗi, ngủ màn kể cả ban ngày, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.
Việc phun hóa chất diệt muỗi phải được thực hiện bởi các cơ quan y tế, nguyên tắc chỉ phun ở các khu vực đã phát sinh ổ dịch chứ không phun hóa chất để phòng ngừa vì nó ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, ô nhiễm môi trường và làm tăng nguy cơ kháng hóa chất.
Người bệnh khi mắc SXH cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, hướng dẫn và theo dõi tình trạng sức khỏe trong quá trình diễn tiến của bệnh.
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT