Quy trình thu BHXH bắt buộc cho hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.
26/06/2025 02:58 PM
Quy trình này hướng dẫn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lập hồ sơ, mẫu biểu thực hiện các thủ tục hành chính đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý và sử dụng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
1. Đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc theo chủ hộ kinh doanh cá thể:
Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024, Nghị định số 158/2025/NĐ-CP, thì chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Cụ thể:
* 02 Trường hợp chủ hộ kinh doanh phải tham gia BHXH bắt buộc
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 158/2025/NĐ-CP chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh quy định tại điểm m khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2024 tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai từ 01/7/2025;
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh không thuộc đối tượng quy định tại điểm nêu trên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 01/7/2029.
* Theo đó, Điều 5 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai như sau:
- Phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới ra kinh doanh và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu xác định doanh thu tính thuế không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế theo quy định tại Điều 50 Luật Quản lý thuế 2019.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải thực hiện chế độ kế toán.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế.
2. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh
Tại khoản 1 Điều 31 Luật BHXH 2024 quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc được quy định như sau:
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc;
- Đối tượng quy định tại các điểm đ, e và k khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2024 thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc do Chính phủ quy định;
- Đối tượng quy định tại các điểm g, h, m và n khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2024 được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
Sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng BHXH theo tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đã lựa chọn thì người lao động được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng BHXH;
3. Mức đóng, phương thức đóng BHXH, BHYT bắt buộc:
- Chủ hộ kinh doanh được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng. Hiện nay, khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.
+ Mức đóng BHXH: hằng tháng bằng 25%, trong đó 3% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, 22% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức đóng thấp nhất của chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH hàng tháng là 25% mức tham chiếu tương đương 585.000 nghìn đồng.
+ Mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của hộ kinh doanh cá thể từ 01/7/2025 được xác định theo tỷ lệ 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH.
èNhư vậy, Chủ hộ kinh doanh phải đóng BHXH, BHYT bắt buộc thấp nhất là: 29,5% tiền lương làm căn cứ đóng.
- Chủ hộ có thể lựa chọn phương thức đóng hàng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng 01 lần tuỳ theo nhu cầu.
4. Biểu mẫu và nơi đăng ký tham gia:
• Chủ hộ kinh doanh cá thể lập Tờ khai tham gia BHXH được quy định tại Mẫu TK1-TS, TK3-TS để thực hiện thủ tục đăng ký tham gia BHXH,
• Chủ hộ kinh doanh có thể đến Cơ quan BHXH nơi cư trú hoặc đăng ký online qua Cổng Dịch vụ công BHXH: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn. Hộ kinh doanh cần có chữ ký số để thực hiện nộp hồ sơ online trên trang dịch vụ công.
5. Chế độ được hưởng đối với chủ hộ kinh doanh cá thể khi tham gia
- Chế độ ốm đau và thai sản;
- Chế độ hưu trí và tử tuất;
- Được cấp thẻ BHYT để khám bệnh, chữa bệnh.
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT