Nhiều điểm mới trong giải quyết thủ tục hành chính

01/09/2024 09:02 AM


Những năm gần đây, Lâm Đồng đã không ngừng đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại địa phương; chuyển giao một số khâu trong giải quyết TTHC cho khu vực ngoài ngân sách để hỗ trợ cùng với khu vực công nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Người dân đang làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Lâm Đồng. Ảnh: C.Thành

Hiệu quả của việc chuyển giao này đến nay trông thấy rất rõ. Số lượng nhân sự giảm, trong khi chất lượng phục vụ tại Bộ phận Một cửa trong tỉnh đều tăng. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 16 nhân viên Bưu điện đã thực hiện nhiệm vụ của 38 công chức thuộc 19 sở, ban, ngành; còn tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, với mỗi đơn vị từ 2 đến 4 nhân viên Bưu điện làm nhiệm vụ của 8 công chức thuộc 13 phòng chuyên môn cấp huyện. 

Đến nay, 100% Bộ phận Một cửa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh đã triển khai Bộ nhận diện thương hiệu theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; đã triển khai bộ phận hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; bố trí trang thiết bị cho người dân trải nghiệm dịch vụ công của tỉnh; tổ chức các quầy tiếp nhận hồ sơ cho người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật cũng như triển khai hệ thống lấy số trực tuyến giúp người dân và doanh nghiệp hẹn giờ giải quyết TTHC.

Cho đến nay, toàn bộ các thủ tục ngành dọc của công an, bảo hiểm xã hội đã được tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh.

Làm thủ tục cấp căn cước công dân tại Bộ phận Một cửa Trung tâm Phục vụ hành chính công Lâm Đồng

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành rà soát toàn bộ 1.804/1.804 TTHC thuộc danh mục thẩm quyền giải quyết của các cấp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng tiến hành cập nhật hóa, làm sạch 300 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết đã được công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh (trong đó điều chỉnh, cập nhật các trường dữ liệu về phí, lệ phí; thời gian thực hiện; hình thức thực hiện; căn cứ pháp lý). Tỉnh cũng cho rà soát, tổng hợp số lượng TTHC có phát sinh hồ sơ trong 3 năm gần nhất (879/1.804 TTHC); rà soát 620/1.804 TTHC có khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu về dân cư.

Cũng theo bà Hiền, Lâm Đồng đang đẩy mạnh các mô hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tỉnh cũng cho bố trí “Quầy thông minh” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với chức năng tự động tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC 24/7 trên cơ sở ứng dụng dữ liệu dân cư. Cùng đó, tỉnh cũng đã triển khai việc đổi giấy phép lái xe tại các cơ sở khám, chữa bệnh, người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến tại các điểm này, không cần đến Bộ phận Một cửa. Hiện đã triển khai việc đổi giấy phép lái xe này tại Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lộc, Di Linh và Đạ Tẻh, đang tiếp tục mở rộng triển khai đến các địa phương khác tại tỉnh. 

Một điểm nổi bật trong giải quyết TTHC là Lâm Đồng đã thực hiện việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực; tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu trong giải quyết hồ sơ. Hệ thống của tỉnh kết nối với Cổng quốc gia để thực hiện đánh giá theo thời gian thực Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Ứng dụng Công dân số Lâm Đồng và ứng dụng Đà Lạt trực tuyến

Chính vì vậy, trong thời gian đến, Lâm Đồng cần tiếp tục nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác giải quyết TTHC của tỉnh trong đó có việc triển khai giai đoạn tiếp theo của Kho số hoá, đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ, thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng như rà soát, nâng cấp, trang bị hạ tầng công nghệ thông tin tại các đơn vị cấp xã vùng sâu, vùng xa.

Lâm Đồng cũng cần phối hợp, chủ động triển khai kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh trên cơ sở hướng dẫn của các cơ quan Trung ương về mở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, chuẩn hóa mẫu đơn, tờ khai.

Và điều quan trọng, theo bà Phạm Thị Minh Hiền, tỉnh cần tiếp tục vận động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến: đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động; duy trì và phát huy việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công tại Bộ phận Một cửa các cấp và thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng.

Báo Lâm Đồng