Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 06/2024
01/06/2024 02:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ 01/6/2024, sẽ thu hồi giấy phép xe tập lái nếu cho người khác sử dụng; 6 trường hợp thu hồi Giấy phép lái xe từ ngày 01/6/2024; Điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp… là một trong những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 06/2024.
Từ 1/6/2024, sẽ thu hồi giấy phép xe tập lái nếu cho người khác sử dụng
Ngày 16/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Nghị định 41/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2024. Ảnh: Internet
Theo đó, từ ngày 01/6/2024, sẽ có 06 trường hợp thu hồi giấy phép xe tập lái, bao gồm:
-Cấp cho xe tập lái không đáp ứng một trong điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 138/2018/NĐ-CP );
-Bị tẩy xóa, sửa chữa;
-Để cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng vào mục đích đào tạo lái xe;
-Cơ sở đào tạo lái xe giải thể hoặc bị thu hồi Giấy phép đào tạo;
-Theo đề nghị của cơ sở đào tạo;
-Xe tập lái có lắp đặt và sử dụng từ 2 thiết bị DAT trở lên để gian lận trong quá trình đào tạo thực hành lái xe.
Nghị định 41/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2024.
6 trường hợp thu hồi Giấy phép lái xe từ ngày 1/6/2024
Nội dung được đề cập tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT ngày 31/3/2024 sửa đổi Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Cụ thể, các trường hợp thu hồi Giấy phép lái xe từ ngày 01/6/2024 gồm:
-Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp giấy phép lái xe;
-Người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe;
-Để người khác sử dụng giấy phép lái xe của mình;
-Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện;
-Có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký;
-Thông qua việc khám sức khỏe Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (trừ các hành vi xử lý theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 10 Điều 5; điểm h và điểm i khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Nghị định, nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp; gìn giữ bản sắc; hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện; bảo đảm an toàn cộng đồng và xã hội; bảo vệ môi trường; Bảo đảm tôn trọng sự đa dạng văn hóa, vai trò của cộng đồng chủ thể và tính đặc thù dân tộc, vùng miền.
Cùng với đó, ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù, di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội; ưu tiên quyền quyết định của cộng đồng chủ thể vì sự tồn tại, thực hành lâu dài, liên tục của di sản, phù hợp với ý nghĩa và chức năng của di sản, phù hợp với pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam và văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên.Nghị định số 39/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/6/2024.
Điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp từ ngày 1/6/2024
Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và trường cao đẳng sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Cụ thể, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01 khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
- Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu, có vị trí việc làm còn thiếu ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức xét thăng hạng và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng.
- Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02.
- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.
- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02; đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01 quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT .
Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.
5 tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" nghề thủ công mỹ nghệ
Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
Nghị định có hiệu lực ngày 6/6/2024 quy định chi tiết về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hoạt động xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
Theo Nghị định, danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tặng cho cá nhân đã được tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và đạt các tiêu chuẩn sau: 1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương; 2. Có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên; 3. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; được đồng nghiệp và Nhân dân mến mộ, kính trọng; là đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước; 4. Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc.
Nghị định nêu rõ, Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" được thành lập ở từng cấp Hội đồng (Hội đồng cấp tỉnh; Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ; Hội đồng cấp Nhà nước), theo từng lần xét tặng, các Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" có nhiệm vụ tổ chức việc xét tặng bảo đảm đúng quy định; công khai danh sách các cá nhân đề nghị xét tặng và kết quả xét chọn trên các phương tiện truyền thông; hoàn chỉnh hồ sơ xét tặng, trình Hội đồng có thẩm quyền; xem xét, giải quyết các kiến nghị liên quan đến việc xét tặng./.
https://baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT