Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội
28/05/2024 08:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 27/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Sau khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Để đảm bảo Luật đi vào cuộc sống và thống nhất với chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024, Đại biểu Nguyễn Tạo – Phó trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý:
Một là, về vấn đề xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc quy định tại Điều 36, 37, 38, 39:
Xuất phát từ tình hình thực tiễn nhằm khắc phục tình trạng này, tại khoản 4 Điều 40 dự thảo Luật có quy định: “4. Áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam”. Tuy nhiên, tại Điều 36 của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam không có quy định việc tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH. Vì vậy đề nghị dự thảo Luật cần xem xét vấn đề này đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Hai là, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thụ hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật BHXH, tại khoản 1 Điều 130 dự thảo Luật có quy định: “… việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”. Tại khoản 2 Điều 130 lại quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính trong hoạt động thanh tra về BHXH được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Trong khi đó viện dẫn tại Điều 94 Luật Thanh tra quy định: “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của người tiến hành thanh tra và quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại…”. Như vậy, việc quy định pháp luật nào thì cần được làm rõ.
Do đó, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị dự thảo Luật bỏ đoạn cuối của khoản 1 Điều 130: “… trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” và bỏ khoản 2 Điều 130 dự thảo Luật.
Cuối cùng là việc xác định rõ cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội, theo khoản 1 Điều 132 dự thảo Luật quy định cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về BHXH trước năm 1995, thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết trên cơ sở tham mưu của cơ quan BHXH cấp tỉnh (khoản 2 Điều 132). Như vậy, tính khả thi không cao, việc quy định giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH trước năm 1995 thì giao cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, còn cơ quan BHXH cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, dự thảo Luật quy định như trên là không hợp lý vì cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội thuộc UBND các địa phương…
Do đó, muốn giải quyết các tố cáo về vi phạm BHXH theo thẩm quyền thì cơ quan quản lý nhà nước đều phải giao nhiệm vụ cho cơ quan tham mưu là cơ quan BHXH xác minh, điều tra làm rõ và đề xuất biện pháp xử lý nếu thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Bởi lẽ, trước 1/1/1995 phần lớn các văn bản hành chính có liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động đều do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương ban hành, còn nếu thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý BHXH thì sẽ do cơ quan BHXH cấp tỉnh giải quyết. Riêng trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển đến cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ hơn..
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT