Thu hút, trọng dụng nhân tài người DTTS

21/02/2024 07:35 AM


Phát hiện, tìm kiếm, thu hút, trọng dụng nhân tài người dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ được tỉnh Lâm Đồng tiến hành từ nhiều năm qua, song cho đến nay, nhiệm vụ này vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần được tháo gỡ.

Mặc dù có nhiều nỗ lực song công tác thu hút, trọng dụng nhân tài người DTTS ở tỉnh Lâm Đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hiền Quỳnh

Lâm Đồng là địa bàn có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào DTTS chiếm khoảng 25,72% dân số toàn tỉnh (hơn 60% trong số đó là DTTS gốc Tây Nguyên).

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của bà con các dân tộc nên đời sống vật chất và tinh thần của người DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ngày càng được cải thiện. Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa từng bước được đầu tư; sản xuất có bước phát triển; công tác y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội được chú trọng. Theo thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh, đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo đa chiều người DTTS toàn tỉnh còn 7.125 hộ (giảm 4.329 hộ so với cuối năm 2022). Thu nhập bình quân hộ đồng bào DTTS đạt 44,94 triệu đồng/hộ (tăng 20% so với năm 2022). 75/77 xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới (còn 2 xã Đạ Long và Liêng S’rônh, huyện Đam Rông chưa đạt chuẩn); 100% xã vùng DTTS đạt chuẩn văn hóa; 98% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững và ngày càng được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. 

Thực hiện các kết luận, nghị quyết của Trung ương về việc tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thuộc tỉnh chú trọng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện quan điểm chung của tỉnh Lâm Đồng về việc phát triển nguồn nhân lực nói chung - một trong bốn khâu đột phá chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh là một trong những điều kiện thuận lợi để thực hiện việc thu hút, trọng dụng nhân tài người DTTS ở Lâm Đồng. Bởi vậy, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, những năm qua, hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thường xuyên được tăng cường củng cố, vững mạnh. Ngoài chính sách ưu tiên trong cử tuyển đi học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tập thì công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS luôn được quan tâm. Đội ngũ cán bộ người DTTS hầu hết được đào tạo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ về công tác tại địa phương, đặc biệt là cán bộ trẻ được thực hiện. Điều này góp phần khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong tư duy, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ổn định an ninh, trật tự tại cơ sở trong vùng đồng bào DTTS. Trong giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đều có chính sách ưu tiên đặc thù đối người DTTS như chế độ cử tuyển, chế độ trợ cấp học sinh, sinh viên người DTTS... 

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, hiện tại, nguồn nhân lực người DTTS trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Điều này đã đáp ứng được một phần nhu cầu phát triển nói chung và phát triển vùng đồng bào DTTS nói riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 

Số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh đến cuối năm 2023 cho thấy, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế từ cấp tỉnh đến cấp xã có 3.658 người DTTS, chiếm 11,63% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Trong đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS: 2 tiến sĩ, 41 thạc sĩ, 2.128 đại học, 849 cao đẳng, 631 trung cấp, 20 sơ cấp.

Việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tại các cấp trong tỉnh thực hiện theo đúng các quy định của Chính phủ về tuyển dụng, bố trí sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Trong công tác tuyển dụng thực hiện đúng chế độ ưu tiên cho đối tượng là người DTTS. 

Tuy vậy, nhiệm vụ này vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Bởi theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, nhìn chung trình độ dân trí vùng DTTS còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Số cán bộ, công chức người DTTS công tác ở các cơ quan Đảng, chính quyền, các sở, ngành, các phòng, ban cấp huyện còn thấp so với quy định. Một số huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống nhưng số cán bộ, công chức người DTTS trong cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập ở huyện và cấp xã còn ít, chưa tương xứng với tỷ lệ người DTTS tại địa phương. Ngành Giáo dục - đào tạo chưa tổ chức được việc dạy tiếng DTTS cho học sinh vùng DTTS. Số lượng học sinh DTTS đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chưa có việc làm còn nhiều. Đặc biệt, hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ bà con người đồng bào DTTS vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, thiếu động lực, động cơ phấn đấu, ý thức vươn lên trong học tập, rèn luyện.

Theo ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, để phát hiện, tìm kiếm, thu hút, trọng dụng nhân tài người DTTS theo đúng mục tiêu của Trung ương, trước hết cần có các giải pháp phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi nhằm nâng cao mức sống, trình độ dân trí, giảm nhanh khoảng cách giàu, nghèo giữa vùng DTTS và miền núi với vùng miền xuôi và thành thị. Đồng thời, có giải pháp nhằm đổi mới công tác quản lý giáo dục ở những cơ sở giáo dục có đông học sinh người DTTS để nâng cao chất lượng đầu ra; tổ chức dạy tiếng dân tộc ở các trường phổ thông có đông học sinh DTTS; quan tâm đầu tư giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh người DTTS; có chính sách hỗ trợ các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp có đào tạo, huấn luyện lao động người DTTS; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ thực hiện công tác dân tộc các cấp. Có chính sách ưu tiên hơn nữa trong đào tạo, sử dụng cán bộ người DTTS, nhất là cán bộ người DTTS gốc Tây Nguyên. Có chính sách đào tạo và sử dụng giáo viên tiếng DTTS, nhất là tiếng DTTS gốc Tây Nguyên. 

Báo Lâm Đồng