Nâng cao nhận thức và sự chủ động của sinh viên trong việc tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

29/11/2018 09:46 AM


Ngày 28/11/2018, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nâng cao nhận thức và sự chủ động của sinh viên trong việc tham gia BHXH, BHYT và BH thất nghiệp” cho 500 sinh viên của trường. PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV dự và phát biểu khai mạc tọa đàm.

 

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Khách mời tham gia tọa đàm có bà Tống Thị Song Hương - Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế; bà Trần Thị Thúy Nga - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH); PGS.TS Trần Thị Hạnh - Giảng viên Khoa Triết học; em Lê Minh Hoàng - sinh viên K60 lớp chất lượng cao, Khoa Khoa học quản lý.

Cuộc tọa đàm nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường ĐH KHXH và NV và BHXH Việt Nam trong việc phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong sinh viên để giúp sinh viên hiểu và áp dụng hiệu quả các quy định của chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Những vấn đề của chính sách BHXH, BHYT gắn bó chặt chẽ với thời sự xã hội, với cuộc sống của mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Sinh viên là đối tượng đặc biệt của BHXH, BHYT nói chung và công tác truyền thông chính sách nói riêng. Việc nâng cao nhận thức về BHXH, BHYT vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của thế hệ tri thức trẻ, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về các chính sách, pháp luật liên quan và một số giảng viên, sinh viên trong trường đã được thụ hưởng quyền lợi về BHYT, BHXH sẽ đối thoại trực tiếp để tìm hiểu nội dung, giải đáp các vấn đề, tình huống khúc mắc về các chính sách này.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV nhấn mạnh tầm quan trọng, thiết yếu của chính sách BHXH, BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi của mọi người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là cho đối tượng HSSV. Theo PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, hiện nay các trường đại học, cao đẳng trên cả nước nói chung và trường Đại học KHXH&NV luôn quan tâm đến việc triển khai thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT đến các đối tượng HSSV. Đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo quyền lợi đóng, hưởng BHYT, góp phần nâng cao nhận thức của HSSV trong việc tham gia BHYT.

Theo lãnh đạo trường Đại học KHXH&NV, tỷ lệ sinh viên của trường tham gia BHYT trong năm học 2018-2019 đạt 98%, trong đó sinh viên năm thứ nhất đạt 98,4%, sinh viên năm thứ hai và ba đạt 98%, sinh viên năm cuối đạt 97,4%. Việc tuyên truyền giáo dục về chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn được nhà trường quan tâm sát sao. Dự kiến, tháng 12/2018, trường sẽ tiếp tục tổ chức tọa đàm lần thứ 3 để có thêm nhiều sinh viên được tiếp cận và quán triệt các chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn đánh giá, nhận thức sinh viên ở các trường đại học về BHXH, BHYT càng ngày càng cao và nhắn nhủ đến các sinh viên của mình hãy đặt nhiều câu hỏi để được các chuyên gia giải đáp cụ thể.

Ông Nguyễn Đức Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Đức Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) đánh giá cao sự phối hợp có hiệu quả của Nhà trường, sự quan tâm của Nhà trường đối với chính sách BHXH, BHYT và việc phổ biến để sinh viên của Nhà trường hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT.

Nhấn mạnh, sinh viên đang là độ tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, là những người ưu tú nhất, giỏi giang nhất và đầy ước mơ, hoài bão và cũng rất giầu năng lượng, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Nguyễn Đức Toàn chia sẻ, các em tham gia sự kiện này để hiểu biết và lan tỏa ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, lan tỏa tinh thần, “đã là sinh viên - là công dân tốt, đã là sinh viên - sống là làm việc theo pháp luật, đã là sinh viên - tham gia chính sách BHXH, BHYT để chuẩn bị tốt cho hiện tại và tương lai”. Sau ngày hôm nay, khi được các chuyên gia đầu ngành về BHYT, BHXH trao đổi, ông Nguyễn Đức Toàn mong muốn, các bạn sinh viên hãy truyền đi thông điệp “Tôi tự tin khi tôi đã tham gia BHXH và khi tôi có thẻ BHYT”.

PGS.TS Trần Thị Hạnh - Giảng viên Khoa Triết học chia sẻ tại tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Thị Hạnh - Giảng viên Khoa Triết học đã chia sẻ về căn bệnh mình mắc phải và BHXH trang bị cho mình “vật chất”, còn bản thân tự trang bị cho mình “tinh thần” để chống chọi với bệnh tật, vượt lên số phận. Hiện nay, cô vẫn thường xuyên đi khám lại và được BHYT thanh toán, chia sẻ gánh nặng. Cô Hạnh nhấn mạnh, BHYT là sự động viên, an ủi, chia sẻ với người bệnh; BHYT gắn với sự ưu việt, với chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, BHXH đã và đang tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi rất nhiều cho người bệnh và người tham gia BHXH, BHYT. Là người được thụ hưởng chính sách, cô Hạnh chia sẻ: “Cuộc đời con người có những việc xảy ra mà mình không thể lường hết được. Mỗi em phải chuẩn bị cho mình một hành trang để làm chủ mình, bằng hành động thực tế. Tham gia BHXH, BHYT chính là các hành động thực tế ấy của các em”.

Nhiều băn khoăn, thắc mắc của các sinh viên đã được giải đáp.

Em Lê Minh Hoàng – sinh viên K60 lớp chất lượng cao, Khoa Khoa học quản lý cho biết, cách đây 02 năm, em hoạt động thể dục, thể thao và đứt dây chằng. Em phải phẫu thuật và chi phí cho ca mổ là rất lớn đối với một sinh viên như em. Mỗi sinh viên cần phải chuẩn bị cho mình trước những biến động như vậy trong cuộc sống.

“Cuộc phẫu thuật tốn 80 triệu đồng nhưng rất may nhờ tham gia BHYT, phần lớn gánh nặng tài chính cho cuộc phẫu thuật đã được cơ quan BHXH chi trả. Giả sử nếu em không tham gia BHYT thì gia đình em sẽ phải rất vất vả để lo và trả nợ đủ số tiền trang trải cho cuộc phẫu thuật. Thật may mắn là em đã tham gia BHYT” – em Lê Minh Hoàng chia sẻ.

Tại tọa đàm, Bà Tống Thị Song Hương đã chia sẻ những điểm mới, điểm thiết thực nhất của chính sách BHYT. Nhấn mạnh, việc sinh viên tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT là bắt buộc, bà Tống Thị Song Hương cũng chia sẻ thông tin, theo thống kê của cơ quan chức năng trong năm học 2017 - 2018, một học sinh mắc bệnh về máu đã được BHYT chi trả 1,8 tỷ đồng điều trị bệnh. Tính theo mệnh giá mua BHYT của học sinh, sinh viên, số tiền này tương đương với khoảng 3.000 em đóng góp.

Các khách mời tham gia tọa đàm.

Bà Trần Thị Thúy Nga – Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ, cung cấp những kiến thức, nội dung cơ bản về chính sách BHXH: Quyền lợi, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động, mức đóng, mức hưởng và các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.

Tại tọa đàm, nhiều vướng mắc của các em về thủ tục tham gia BHYT HSSV, quyền lợi được hưởng từ tham gia BHYT, việc đang là sinh viên đi làm thêm thì có thể tham gia BHXH, BH thất nghiệp không, chuyển tuyến KCB BHYT,… đã được các chuyên gia giải đáp đầy đủ, thấu đáo.

Theo quy định, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, sinh viên đóng 70% còn lại. Số tiền mà một sinh viên đóng BHYT hiện tại là 43.785 đồng/tháng, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ là 18.765 đồng/tháng. Sinh viên có thể lựa chọn phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng cho cơ sở giáo dục, nhà trường sinh viên đang theo học. Về mức chi trả, nếu đi khám chữa bệnh đúng tuyến, sinh viên được chi trả các mức 80% - 95% - 100%, tùy từng mã thẻ. Nếu khám trái tuyến, mức chi trả là 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương, 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội, ngoại trú tại các bệnh viện tuyến huyện.

 

Theo BHXH VN