Thực hiện tốt BHYT học sinh, sinh viên: Bước đi quan trọng trên lộ trình BHYT toàn dân

11/10/2018 05:00 PM


Với tỷ lệ chiếm 25% dân số, việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) đóng góp vai trò quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân. Không những thế, thực hiện tốt BHYT HSSV còn góp phần giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và ý thức sống cộng đồng cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước - Đó là những chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh.

 

BHXH Việt Nam chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về BHYT HSSV.

Là nhóm đối tượng chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu dân số nước ta, việc phát triển BHYT HSSV có tác động tích cực đến mục tiêu BHYT toàn dân. Phó Tổng Giám đốc có thể cho biết đôi nét về công tác chỉ đạo thực hiện BHYT HSSV tính đến thời điểm hiện tại?

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Có thể nói, chúng ta đang có nhiều thuận lợi để mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trở thành hiện thực. Hệ thống văn bản pháp lý từ định hướng chỉ đạo đến tổ chức thực hiện đã được Đảng, Nhà nước, ngành BHXH và các ngành liên quan ban hành đầy đủ, thể hiện sự nhất quán trong chủ trương, đường lối về công tác BHYT HSSV.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo về phát triển BHYT HSSV như sau: cần mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với một số nhóm tham gia các loại hình BHXH, BHYT, trong đó có HSSV. Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/3/2013 cũng yêu cầu tăng tỉ lệ bao phủ BHYT đối với nhóm HSSV; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ 1/1/2015) quy định nhiệm vụ phát triển BHYT HSSV cụ thể cho cả ngành giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chính quyền các cấp... Trong Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT, Chính phủ cũng chỉ rõ Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng BHYT HSSV, đảm bảo đạt 100% HSSV tham gia BHYT.

Ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ quán triệt phải đẩy mạnh thực hiện BHYT HSSV. Theo đó giao Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo có 100% đối tượng này tham gia BHYT.

Như vậy, từ định hướng chỉ đạo đến các văn bản pháp lý liên quan đến BHYT HSSV đã được Đảng, Nhà nước ban hành đầy đủ, thể hiện sự nhất quán trong chủ trương thực hiện BHYT HSSV là bước đi quan trọng trong hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân ở nước ta. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hằng năm, vào đầu năm học mới, Ngành BHXH đã chủ động phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm với ngành GD&ĐT và Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trong tổ chức thực hiện.

Thưa Phó Tổng Giám đốc, ông có thể cho biết cụ thể hơn về một số kết quả đạt được trong công tác BHYT HSSV thời gian qua?

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Trong các năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chủ động, tích cực của Ngành BHXH và Ngành GD&ĐT, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm, năm học 2010 - 2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT; năm học 2012 - 2013, khoảng 80%; năm học 2013 - 2014 là 85%; năm học 2014 - 2015, tỉ lệ này là 88,5% tương ứng với gần 14,82 triệu HSSV có thẻ BHYT; năm học 2015 - 2016, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 90,5%, tương ứng khoảng 15,6 triệu em; năm học 2016 - 2017, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu em; năm học 2017 - 2018, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt khoảng 93,5%, tương ứng khoảng 16,5 triệu em. Chúng ta kỳ vọng, năm học 2018 - 2019, chúng ta sẽ tiệm cận gần hơn mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT.

Từ khi thực hiện Luật BHYT đến nay, cùng với tỉ lệ HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm, số kinh phí trích lại từ tiền thu BHYT dành cho y tế học đường cũng tăng lên đáng kể. BHYT HSSV đã phát huy hiệu quả thiết thực với công tác chăm sóc sức khỏe học đường. Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV luôn được cơ quan BHXH chuyển đến kịp thời, tạo nguồn lực quan trọng phát triển y tế trường học.

Quan trọng hơn, như mọi đối tượng tham gia chính sách nhân văn này, trong xu thế quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được tăng lên, HSSV cũng đang được hưởng thụ nhiều lợi ích khi đi khám, chữa bệnh BHYT. Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo (bình quân khoảng 80 triệu đồng/năm); điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu, thậm chí có trường hợp chi tới hàng tỷ đồng...

Đặc biệt, nhóm HSSV có ưu thế lớn trong hưởng thụ các dịch vụ y tế từ quỹ BHYT. Mặc dù Luật BHYT hiện nay chưa quy định chi cho y tế dự phòng, nhưng nhóm HSSV vẫn gián tiếp được hưởng các quyền lợi thông qua hoạt động y tế học đường tại nhà trường. Khi người dân vẫn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật thì việc chăm sóc sức khỏe ban đầu dành cho HSSV thường xuyên, liên tục có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đảm bảo sức khỏe các em trong tương lai.

Để đạt được những kết quả như trên, chúng ta đã triển khai những giải pháp gì, thưa Phó Tổng Giám đốc?

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Để đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực cố gắng của Ngành BHXH, GD&ĐT, Y tế, đặc biệt là Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế trường học trên khắp cả nước.

Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện, ngành BHXH đã nghiêm túc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực này. Trong các năm qua, công tác BHYT HSSV luôn được tổ chức, thực hiện hiệu quả với sự phối hợp giữa ngành BHXH, GD&ĐT, Y tế. Theo sự chỉ đạo từ BHXH Việt Nam, hàng năm BHXH các cấp đều chủ động tiến hành ký kết chương trình phối hợp với Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, các trường học trên địa bàn.

Ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT thực hiện một số nội dung: Giao chỉ tiêu tham gia BHYT của HSSV đối với từng cơ sở giáo dục; đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV; thực hiện thu BHXH HSSV đúng quy định, đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp mới vào lớp 1 thực hiện thu BHYT HSSV của những tháng còn lại năm 2018. Tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh đầu năm học.

Dù đạt được kết quả khá khả quan, nhưng việc cán đích 100% HSSV tham gia BHYT vẫn còn có những khó khăn, Phó Tổng Giám đốc cho biết nguyên nhân của tình trạng này?

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác BHYT HSSV cũng còn không ít những khó khăn, tồn tại, hạn chế nhất định.

Công tác mở rộng đối tượng tham gia BHYT HSSV chưa được như mong muốn. Mặc dù, Luật BHYT quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, nhưng lại chưa có chế tài bắt buộc tham gia nên quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn. Tại một số tỉnh, thành phố, tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV vẫn còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Bên cạnh nguyên nhân do một bộ phận HSSV và phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính ưu việt, nhân văn, sự cần thiết của BHYT thì nguyên nhân do tổ chức thực hiện của các cơ quan liên quan chưa thật tốt. Một số cơ quan BHXH chưa thật sự sâu sát trong quá trình triển khai, do vậy chưa tham mưu kịp thời và hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện công tác này. Một số Sở GD&ĐT các tỉnh, Phòng GD&ĐT các huyện, quận chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường, chưa quan tâm thích đáng đến công tác y tế trường học. Tại một số cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng, chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV…

Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, nhưng vẫn còn gần 7% HSSV chưa tham gia. Tỉ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đồng đều và chưa đạt yêu cầu theo quy định bắt buộc của Luật BHYT.

Tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh phổ thông cao hơn so với sinh viên. Chủ yếu là sinh viên năm thứ nhất tham gia BHYT, còn các năm sau có sự “hụt” đi đáng kể trong khối này.

Thưa Phó Tổng Giám đốc, để thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, trong năm học 2018 - 2019, BHXH Việt Nam sẽ có những định hướng triển khai như thế nào?

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Để thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm 2018 và duy trì tỉ lệ bền vững, ngay từ đầu năm học mới 2018 - 2019, BHXH Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố chủ động hơn nữa trong tổ chức thực hiện BHYT HSSV, tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:

- Một là, chủ động báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo thực hiện BHYT HSSV đối với các cơ sở GD&ĐT. Trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn đẩy mạnh việc thực hiện BHYT cho sinh viên, nhất là sinh viên từ năm thứ 2 trở đi; ngành GD&ĐT giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV đối với từng trường học và đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV.

- Hai là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT HSSV, chú ý những hình thức tuyên truyền phù hợp đặc điểm tâm lý, lứa tuổi, vận động HSSV tham gia BHYT, trong đó chú trọng vào các nội dung về quyền lợi hưởng khi tham gia BHYT. Đồng thời, thực hiện rà soát, phân loại danh sách HSSV chưa tham gia BHYT và sắp hết hạn trong cơ sở dữ liệu hộ gia đình để phối hợp với các trường học vận động HSSV tham gia BHYT đầy đủ.

- Ba là, BHXH các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT cùng cấp tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá, phổ biến, tuyên truyền chính sách BHYT đến tất cả các trường học; ban hành văn bản hướng dẫn các trường học trên địa bàn tổ chức thu BHYT HSSV theo đúng quy định.

- Bốn là, thực hiện rà soát, bổ sung đầy đủ quá trình tham gia, quyền lợi hưởng, thời điểm đủ 5 năm liên tục và thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH cho HSSV, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho các em khi tham gia BHYT.

- Năm là, kịp thời xét duyệt và trích, chuyển kinh phí thù lao thu BHYT HSSV, xác định và chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện theo quy định.

- Sáu là, phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho HSSV khi có phát sinh./.

Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!

 

Theo BHXH VN